Hà Nội ngăn ngừa bạo lực giới trong trường học

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 30.000 học sinh (HS) từ 11 đến 18 tuổi đang học tại 20 trường THCS và THPT của 16 quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội được bảo vệ an toàn khỏi các hình thức bạo lực trên cơ sở giới tại trường học.

Đây là mục đích của kế hoạch thực hiện dự án thí điểm Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng do Sở GD&ĐT Hà Nội và Tổ chức Plan tại Việt Nam (Plan) ký kết sáng nay, 12/6.

 
Oanh Trần

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Nguyễn Hữu Độ-Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay: ‘’Đây là dự án đầu tiên ở Hà Nội có cách tiếp cận tổng thể và hệ thống để giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới trong môi trường học đường. Không chỉ giáo dục HS về kiến thức và kỹ năng để phòng tránh và xử lý khi đối diện với bạo lực giới, dự án còn nâng cao năng lực cho ban giám hiệu và cán bộ giáo viên trong trường để tạo môi trường thuận lợi cho việc hình thành và duy trì thái độ bình đẳng giới trong HS’’.

Dự án cũng kêu gọi sự tham gia ủng hộ của phụ huynh với các hoạt động nâng cao nhận thức. Song song với các can thiệp trong trường học, dự án cũng hỗ trợ xây dựng môi trường báo chí nhạy cảm với vấn đề bạo lực giới trong trường học, hướng tới xây dựng cộng đồng xã hội có thái độ không khoan dung với bạo lực giới trong trường học. Từ đó, vận động xây dựng và triển khai các chính sách nhân rộng mô hình trong toàn hệ thống giáo dục trên địa bàn thành phố.

Với thời gian thực hiện 3 năm từ 2014 đến 2016, dự án có kinh phí hơn 1 triệu USD (tương đương hơn 21 tỉ đồng). Không chỉ 30.000 HS nam nữ khối lớp 6,7,8, 9,10, sẽ có 11.700 giáo viên, 45.000 phụ huynh và khoảng 100 cán bộ ngành giáo dục cao cấp cùng các sở ban ngành liên quan và 25 cơ quan truyền thông đại chúng đồng hành xuyên suốt cùng dự án.

Chia sẻ về việc ký kết, ông Glenn Gibney-Giám đốc Tổ chức Plan cho biết: Dự án này đặc biệt quan trọng bởi ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy các hành vi bạo lực trên cơ sở giới mà trẻ em phải trải qua hoặc trẻ em gây ra đưa đến những hậu quả nghiêm trọng về mặt sức khỏe, thể chất, tinh thần và xã hội. Những trải nghiệm đầu đời về bạo lực, dù là với người gây bạo lực hay đi bạo lực đều dẫn đến trạng thái  hay gây hấn, bạo lực với người thân cũng như trầm cảm, lo lắng và các vấn đề sức khỏe khi trưởng thành.

Sở GD&ĐT Hà Nội và Tổ chức Plan hy vọng sẽ xây dựng thành công mô hình phòng ngừa và ứng phó với tình trạng bạo lực trên cơ sở giới tại trường học. Sự thành công này sẽ cải thiện thực tế: ‘’Chỉ có 18,2% số HS được hỏi cho rằng trường học của các em là tuyệt đối an toàn. Lý do chính là bởi có đến 40,6HS đánh nhau, trêu đùa, chọc ghẹo; 38,6% mọi người lăng mạ xúc phạm nhau trong trường; 37,8% do bị các bạn trêu chọc’’. Đây là kết quả khảo sát của Sở GD&ĐT Hà Nội và Tổ chức Plan tiến hành với gần 3.000 HS THCS và THPT trên địa bàn TP trong tháng 3/2014.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần