Sau 3 năm thực hiện, nhà trường, giáo viên, cha mẹ học sinh (HS) đánh giá mô hình VNEN có nhiều ưu điểm và tính khả thi cao. Từ những ưu điểm trên, Sở GD&ĐT Hà Nội có chủ trương tiếp tục nhân rộng thí điểm VNEN ở 100% các quận, huyện, thị xã năm học 2015 - 2016. Theo đó, tất cả các trường tiểu học đều có thể áp dụng và nhân rộng mô hình theo một trong 2 hình thức: Áp dụng thí điểm ở một số khối lớp hoặc một số lớp của từng khối (mỗi khối lớp tối thiểu là 2 lớp trong nhà trường); Áp dụng toàn trường cho tất cả khối lớp (từ khối 2 đến khối 5). Mô hình gồm cơ sở vật chất lớp học sắp xếp theo hoạt động nhóm, có góc học tập, góc thư viện, góc cộng đồng, trang trí theo chủ điểm thân thiện với HS. Tuy nhiên, cô Nguyễn Thị Thúy - giáo viên trường Tiểu học Tả Thanh Oai (trường tiểu học đầu tiên áp dụng mô hình VNEN) cho biết: “Lớp học chật thì việc trang trí các góc cũng gặp khó khăn, trong khi đó giáo viên cũng rất khó quan sát, bao quát hết các nhóm. Lớp đông thì điều quan trọng là phải tập huấn cho nhóm trưởng các nhóm làm việc thật tốt, nắm được quy trình tiết học VNEN, có như vậy các nhóm trưởng sẽ giúp được cô giáo rất nhiều, từ đó việc dạy - học sẽ hiệu quả hơn”. Trường Tiểu học Trưng Trắc (quận Hai Bà Trưng) là một trong những trường nội thành luôn có sĩ số HS đông (55 HS/lớp), nhưng nhà trường vẫn triển khai mô hình VNEN. Cô Dương Thu Hà – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để giải quyết bài toán sĩ số, trường đã xây dựng hệ thống giáo viên dự trữ, hỗ trợ các lớp. Trong quá trình giảng dạy, cô giáo của các lớp VNEN có sĩ số đông rút ra kinh nghiệm: Chọn ra các nhóm trưởng cùng làm công tác kiểm tra, khảo sát kết quả của các nhóm. Trường cũng sắp xếp bàn ghế một cách khoa học để không ảnh hưởng đến sức khỏe HS, đồng thời vẫn tăng sự tương tác giữa HS với HS, HS với giáo viên. Đánh giá việc thực hiện mô hình VNEN, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, điều quan trọng nhất trong quá trình dạy học theo mô hình VNEN là giáo viên chỉ đóng vai trò là người cố vấn, tổ chức hướng dẫn mọi hoạt động giáo dục trong nhà trường. “Phương pháp giảng dạy được chuyển đổi từ lối dạy chủ yếu là giảng sang tổ chức hướng dẫn cho HS học tập cá nhân hoặc học nhóm. Một điểm khác biệt nữa, trong khi ở mô hình truyền thống, việc tổ chức các hoạt động trong lớp học do giáo viên điều hành thì ở mô hình VNEN, HS tự điều hành mọi hoạt động của lớp. Có thể nhận thấy, khi tiếp cận theo mô hình này, HS năng động hơn, tự tin hơn” – ông Tiến khẳng định.