Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh

Nhóm PV Kinh tế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo số liệu của Sở KH&ĐT Hà Nội, năm 2016, số lượng DN đăng ký thành lập mới tăng cao, dự kiến sẽ lên tới gần 23.000 DN, tăng 19% so với năm 2015; trong khi vốn đăng ký của các DN lên tới 203.765 tỷ đồng, tăng 42%.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của TP cũng gia tăng mạnh cả về số lượng dự án (DA) và giá trị vốn đầu tư đăng ký mới. Trong 10 tháng, TP đã thu hút 445 DA FDI với vốn đăng ký 2,8 tỷ USD, tăng 2,6 lần so với năm 2015, với nhiều DA được đánh giá là thế mạnh và ưu tiên thu hút đầu tư của TP như lĩnh vực công nghệ cao, môi trường, viễn thông, ngân hàng… Những số liệu trên đã phần nào phản ánh nỗ lực của Hà Nội trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tạo thuận lợi cho DN và nhà đầu tư, tăng sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô.
Để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN trên địa bàn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, ngày 28/11, Hội nghị “Gặp mặt, đối thoại DN” do TP tổ chức sẽ đánh giá tình hình và kết quả giải quyết tháo gỡ khó khăn cho DN năm 2016; Định hướng về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và cam kết của TP trong thời gian tới.
Báo Kinh tế & Đô thị ghi nhận những ý kiến đánh giá, đóng góp của các đơn vị, tổ chức, DN trước thềm Hội nghị.
Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội Nguyễn Thế Mạnh:
Ưu tiên gỡ khó cho doanh nghiệp
Năm 2016, cụ thể hóa kế hoạch của TP, Cục Thuế Hà Nội đã đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm, 2 khâu đột phá, 6 nhóm giải pháp. Trong đó, đơn vị đặt mục tiêu tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN; Chủ động tham mưu, kiến nghị cơ chế chính sách thuế phù hợp thực tiễn để cộng đồng DN, người nộp thuế tiếp tục duy trì, ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách… Ngoài ra, ngành thuế Hà Nội cũng đẩy mạnh công tác cải cách TTHC, tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào tất cả các khâu, các bước công việc trong quá trình quản lý, đặc biệt là triển khai mạnh quy trình nộp thuế điện tử. Điều này bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế.  Đây là những cơ sở để Cục Thuế phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách năm 2016.

Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Ngọc Nam:
Rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký doanh nghiệp
Đẩy mạnh đăng ký DN qua mạng điện tử; giảm thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký DN qua mạng từ 3 ngày xuống còn 2 ngày, nhằm khuyến khích các DN thực hiện hình thức đăng ký này. Từ 12/7/2016, việc cấp mã số thuế tự động đã chính thức thực hiện trên địa bàn TP, với thời gian phản hồi về mã số thuế từ cơ quan thuế sang cơ quan đăng ký DN chỉ còn 30 phút... Đó là những cách làm cụ thể hóa quyết tâm của TP trong việc tạo thuận lợi cho phát triển DN trên địa bàn.  Trong năm 2017, ngành KH&ĐT tiếp tục tham mưu TP những biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển DN, thúc đẩy tăng trưởng; tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, chỉ số PCI; trọng tâm là các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng, giấy phép đầu tư… 

Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội Lê Ngọc Khiêm:
Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp bằng kỷ cương, kỷ luật hải quan
Đến ngày 23/11, thu nộp ngân sách Nhà nước do Cục Hải quan Hà Nội thực hiện đạt 16.620 tỷ đồng, đạt 91% chỉ tiêu được giao. Trên cơ sở đánh giá, phân tích nguồn thu, đến hết tháng 12/2016, đơn vị dự kiến sẽ hoàn thành vượt chỉ tiêu thu 18.200 tỷ đồng. Để đạt được kết quả này, thời gian qua, giải pháp mà Cục đặc biệt quan tâm vẫn là tạo thuận lợi cho DN bằng kỷ cương, kỷ luật ngành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nuôi dưỡng nguồn thu để tăng thu. Cục cũng đã triển khai nhiều giải pháp rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa cho DN. Cụ thể, thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại với DN, cung cấp kịp thời, thường xuyên các thủ tục, chính sách hải quan mới, cải cách TTHC theo hướng đơn giản, giảm giấy tờ, tăng cường sử dụng chứng từ điện tử. Hệ thống một cửa hàng không, áp dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại như hệ thống thông quan tự động 24/24 giờ, soi chiếu kiểm tra hàng hóa… cũng giúp rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, giảm chi phí cho DN. 

Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn:
Môi trường kinh doanh chuyển biến tích cực
“Hà Nội trong nhiều năm qua đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho sự phát triển của DN. Điều tra của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã ghi nhận những đánh giá tích cực của cộng đồng DN dân doanh về sự cải thiện chất lượng điều hành kinh tế của TP. Chỉ số PCI của Hà Nội đã có sự gia tăng mạnh mẽ từ năm 2012 với 53,4 điểm, thứ hạng 51/63 lên 59 điểm, thứ hạng 24/63 vào năm 2015.
Tuy nhiên, các DN vẫn kỳ vọng nhiều vào việc chính quyền TP tiếp tục cải cách mạnh mẽ trong việc cắt giảm thời gian thực hiện TTHC, nâng cao chất lượng và thái độ phục vụ của cán bộ hành chính các cấp, giảm thiểu chi phí không chính thức, tăng cường tính minh bạch và tạo thuận lợi cho DN trong tiếp cận đất đai… Tôi đánh giá cao những chuyển động gần đây của Hà Nội, những chuyển động tích cực và đầy hứa hẹn. Có lẽ chưa bao giờ những hoạt động đối thoại, gặp mặt DN được tổ chức thường xuyên và thực chất như vậy. Hà Nội cũng đưa ra những đề án rất tham vọng như kế hoạch 100% DN đăng ký kinh doanh qua mạng...

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh:
Doanh nghiệp Hà Nội sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ
Tăng cường đẩy mạnh cải cách TTHC trên mọi lĩnh vực, đổi mới tác phong phục vụ của công chức, nếu việc khởi sự DN thông thoáng đúng với những chuẩn mực quốc tế, chắc chắn số DN mới của Hà Nội sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn nhiều. UBND TP Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành cụ thể hóa những nội dung và chương trình công tác lớn, chính sách và các giải pháp hỗ trợ DN đảm bảo sự công bằng - minh bạch, giúp cho DN thuận lợi, ổn định trong sản xuất, kinh doanh để phát triển. Đổng thời đẩy mạnh hoạt động KHCN, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, hỗ trợ các DN tham gia các kỳ hội chợ trong nước và quốc tế...

Đại diện Jetro Việt Nam Michiyo Uehara:

Nhà đầu tư cảm nhận rõ nét sự thay đổi
Không thể phủ nhận, những năm gần đây, Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng đã có nhiều chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các DN trong và ngoài nước hoạt động. Với tiềm năng của quốc gia đang phát triển tại khu vực ASEAN cùng với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại, ngày càng có nhiều DN Nhật Bản mong muốn khai thác, mở rộng thị trường Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng. Đặc biệt, sự nỗ lực của chính quyền TP Hà Nội sẽ tạo cơ hội cho DN Nhật Bản thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm thông tin, đáp ứng nhu cầu và khả năng cung ứng sản phẩm chất lượng ra thị trường.