Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội nỗ lực giảm thiểu lao động trẻ em

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội thảo tham vấn chọn xã và giới thiệu dự án “Hỗ trợ kỹ thuật tăng cường năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam” đã được tổ chức sáng 23/5 tại Hà Nội.

Đây là dự án hợp tác giữa Bộ Lao động Mỹ và Bộ LĐTB&XH Việt Nam với sự tham gia của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nhắm tới mục tiêu: Xây dựng các giải pháp toàn diện và hiệu quả để ngăn ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam. Trong giai đoạn 2016 – 2019, dự án được triển khai tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và An Giang. Đây là 3 tỉnh, TP đáp ứng các tiêu chí về số trẻ em và người chưa thành niên tham gia lao động từ 15 – 17 tuổi; số trẻ có hoàn cảnh đặc biệt; xã tập trung làng nghề của các ngành nghề ưu tiên của dự án. Theo kế hoạch, sẽ có 5.000 trẻ và 2.000 người được hưởng lợi trực tiếp từ dự án này.

Theo khảo sát quốc gia về lao động trẻ em năm 2012, số trẻ dưới 17 tuổi tham gia hoạt động kinh tế là 21.091 người. Kết quả khảo sát đầu vào lựa chọn xã/phường tại Hà Nội tham gia vào dự án của ILO nhận định, trẻ tham gia lao động tập trung ở các làng nghề. Nguyên nhân khiến trẻ lao động sớm chủ yếu do nhu cầu về lao động của làng nghề, truyền nghề và nhận thức của cha mẹ. Bước đầu, Hà Nội có 21 xã của 4 huyện: Thạch Thất, Hoài Đức, Chương Mỹ và Gia Lâm được lựa chọn tham gia dự án.

Ông Đặng Văn Bất cho biết, Hà Nội có trên 1.300 làng có nghề. Các làng nghề thường tận dụng trẻ làm công việc ở mức độ phù hợp với độ tuổi. Điều này ảnh hưởng đến việc học tập của các em và hội nhập quốc tế. Hiện, Hà Nội có trên 1,7 triệu trẻ em, trong đó 13.000 em có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 40.000 em có nguy cơ rơi vào tình trạng như vậy và thường tập trung ở những huyện nông nghiệp và làng nghề. Vì thế, dự án cho thấy tầm quan trọng khi được triển khai. Tuy nhiên, để hoạt động hiệu quả, phải rà soát lại toàn bộ lao động trẻ em, phân tích nguyên nhân khiến trẻ lao động sớm và nguyên nhân trẻ bỏ học.

Ông Đặng Văn Bất kỳ vọng, dự án là sự khởi động để hội nhập quốc tế và thực hiện Luật Trẻ em mới được Quốc hội thông qua; đồng thời làm tốt việc quản lý lao động ở trẻ em đúng quy định của pháp luật.