Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, 6 tháng đầu năm 2011, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về việc triển khai xây dựng các công trình giao thông quan trọng, cấp bách để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, hạn chế ùn tắc, Sở Giao thông vận tải đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện 21 hạng mục và nhóm công trình nhằm thực hiện mục tiêu trước mắt là hạn chế ùn tắc giao thông và dảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố. Sở cũng đã tiến hành sửa chữa hàng loạt các tuyến phố: sửa chữa thảm mặt đường phố Hồng Mai, Lạc Trung, Thanh Nhàn, Nguyễn Trung Trực, Hàng Bún, Phan Huy Ích…để việc lưu thông của các phương tiện được an toàn. Đồng thời, phối hợp với với Công an thành phố, Ban an toàn giao thông khảo sát tại các điểm hay xảy ra ùn tắc giao thông và tiến hành sắp xếp, tổ chức lại giao thông trên một số nút, các tuyến phố chính có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn. Theo Sở Giao thông vận tải, tính đến thời điểm hiện tại, tổng số phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố có khoảng 3,7 triệu mô tô, xe máy và gần 380.000 xe ô tô (chưa kể có khoảng 50.000 phương tiện vãng lai), tăng trung bình mỗi năm từ 12-14%. Sự gia tăng quá nhanh của phương tiện cá nhân, trong khi đó kết cấu hạ tầng giao thông không theo kịp đang là nguyên nhân chính gây mất trật tự an toàn giao thông và tai nạn giao thông. Tại buổi làm việc các đơn vị liên quan đã báo cáo Chủ tịch thành phố về tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm và kế hoạch xây dựng 9 cầu vượt tại các điểm thường xuyên ùn tắc giao thông, kế hoạch xây dựng tuyến đường trên cao tại tuyến vành đai 2 và kế hoạch phát triển vận tải công cộng của Thủ đô. Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đánh giá 7 tháng đầu năm 2011, ngành giao thông vận tải Thủ đô đã đạt được nhiều thành tựu tích cực trong lĩnh vực giao thông vận tải. Theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, với cơ sở hạ tầng và số lượng phương tiện gia tăng nhanh như hiện nay nếu không có sự cố gắng của những người làm giao thông thì việc đi lại sẽ rất khó khăn. Nhờ những nỗ lực trên mà những bức xúc về ùn tắc giao thông đã từng bước được khắc phục, hạ tầng kỹ thuật đã được cải tạo. Tuy nhiên, Chủ tich UBND TP.Hà Nội cho rằng, tình hình giao thông của Thủ đô vẫn là một tồn tại, là nỗi bức xúc của người dân. Nguy cơ về ùn tắc giao thông vẫn là nỗi lo thường trực. “Để giải quyết ùn tắc giao thông không phải là vấn đề dễ làm, nhiều nước trên thế giới cũng gặp phải vấn đề ùn tắc giao thông, do đó Sở Giao thông Vận tải phải quan tâm ưu tiên giải quyết trong thời gian tới”, Chủ tịch UBND Hà Nội nhấn mạnh. Đánh giá về trật tự an toàn giao thông hiện nay trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Thế Thảo cho rằng, hiện nay các phương tiện đang tham gia lưu thông rất lộn xộn, không theo hàng lối. So với TPHCM cũng với hạ tầng giao thông tương tự, điều kiện tương tự nhưng các phương tiện đi lại ngăn nắp, trật tự hơn. Lòng đường, vỉa hè cũng ít bị lấn chiếm hơn. Theo Chủ tịch UBND Hà Nội, nguyên nhân của tình trạng trên là do hạ tầng yếu kém chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong khi đó, số lượng xe cá nhân tăng nhanh. Công tác quản lý giao thông vận tải còn nhiều bất cập, yếu kém. Ý thức chấp hành của người tham gia giao thông trong một số bộ phận còn yếu kém. “Thời gian tới, trên cơ sở quy hoạch chung vừa được phê duyệt, Sở phải phối hợp với các ban ngành liên quan xem xét, rà soát lại các công trình quy hoạch giao thông của thành phố, làm cơ sở tổ chức lại giao thông. Sở Giao thông vận tải cần khẩn trương xây dựng đề án kiểm soát sự gia tăng của các phương tiện cá nhân, ô tô, xe máy, xe taxi, xích lô”, ông Thảo nhấn mạnh. Theo ông Thảo, với số lượng gia tăng đăng ký mới ô tô, xe máy như hiện nay ( tăng 18,6% số lượng ô tô đăng ký mới trong 6 tháng đầu năm), nếu không có biện pháp kiểm soát thì dù có xây dựng hệ thống hạ tầng cũng không giải quyết được vấn đề ùn tắc. Do đó, đề án này cần phải được nghiên cứu khẩn trương, ngay lập tức. Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải phải tăng cường biện pháp tổ chức giao thông, giảm thiểu ùn tắc và trật tự giao thông. Tổ chức một số tuyến phố không cho xe máy, ô tô lưu thông. “Việc này phải nghiên cứu và làm ngay, nếu có ý kiến thì sẽ điều chỉnh chứ không thể ngồi chờ không làm vì sợ ảnh hưởng đến lợi ích của người này người khác, nếu cứ ngồi chờ thì không biết bao giờ giao thông mới được cải thiện. Vì vậy, tổ chức giao thông tới đây phải làm quyết liệt hơn nữa”, Chủ tịch UBND Hà Nội nhấn mạnh.