Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Nợ xây dựng cơ bản hơn 3.200 tỷ đồng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (5/12), tiếp theo chương trình làm việc, HĐND TP Hà Nội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với thành viên UBND TP 3 nhóm vấn đề: Kinh tế - ngân sách; quản lý đất đất đai, dân; xã hội, dân sinh.

Dự phiên chất vấn có: Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo; Chủ tịch Ủy MTTQ TP Đào Văn Bình.
Toàn cảnh phiên chất vân.
Toàn cảnh phiên chất vấn kỳ họp thứ 8 HĐND TP.
Trước khi đi vào chất vấn và trả lời chất vấn, UV Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Văn Nam trình bày báo cáo tóm tắt tổng hợp kiến nghị của cử tri tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 8 HĐND TP và thông báo nội dung chất vấn; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh báo cáo tình hình thực hiện kết luận tại phiên chất vấn của Chủ tịch HĐND TP kỳ họp thứ 7 HĐND TP Hà Nội.

Báo cáo tập trung trả lời vào 4 nhóm vấn đề: Kinh tế - ngân sách và hỗ trợ DN phát triển sản xuất kinh doanh; đô thị và trật tự xã hội (PCCC); văn hóa - xã hội và dân sinh (chợ, nước sạch, nông thôn) và nhóm vấn đề quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng (xây dựng trường học).

Sau phần trình bày báo cáo của Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh, các ĐB đã nêu câu hỏi tái chất vấn.

ĐB Nguyễn Hoài Nam (tổ Hai Bà Trưng) bày tỏ lo lắng về việc bảo đảm an toàn PCCC tại các cây xăng chưa đủ điều kiện trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay. Đối với quận Hai Bà Trưng, cử tri rất lo lắng về cây xăng trên đường Nguyễn Đình Chiểu. ĐB Nam đề nghị, UBND TP cần chỉ đạo việc thanh tra, kiểm soát chặt chẽ hơn vì sự cố trong PCCC thường gây hậu quả nghiêm trọng.
ĐB Nguyễn Thị Thùy (tổ Mỹ Đức).
ĐB Nguyễn Thị Thùy (tổ Mỹ Đức) chất vấn.
Nêu vấn đề quản lý chợ dân sinh, ĐB Nguyễn Thị Thùy (tổ Mỹ Đức) cho biết chợ dân sinh 19/12  và chợ Mơ bắt đầu và sắp đưa vào hoạt động, đề nghị UBND TP cho biết có giải pháp gì trong quản lý để các chợ này không rơi vào tình trạng xây dựng xong nhưng không có hiệu quả như một số chợ hiện nay. 

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Nguyên Quân (tổ Thanh Oai) cho rằng, các giải pháp TP đặt ra trong thời gian vừa qua trong xử lý các chợ cóc, chợ tạm đạt hiệu quả chưa cao. Chợ cóc vẫn tiếp tục hoạt động gây ảnh hưởng đến giao thông như chợ cóc ở ven QL 21B, một đoạn 5km có tới 3 chợ hoạt động... Do đó, TP cần có chỉ đạo quyết liệt để chính quyền các cơ sở tăng cường công tác quản lý, bảo đảm đời sống của nhân dân.
Phó chủ tịch Vũ Hồng Khanh trả lời các câu hỏi tái chất vấn của đại biểu HĐND TP.
Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh trả lời câu hỏi tái chất vấn của đại biểu HĐND TP.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Phó chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh chia sẻ băn khoăn về PCCC của ĐB Nam là chính đáng bởi đối với Thủ đô Hà Nội, yếu tố hạ tầng kỹ thuật do lịch sử để lại đang đặt ra nhiều vấn đề như: Các xe PCCC không thể tiếp cận được đến tất cả các hộ dân vì đường, phố, ngõ, ngách rất nhỏ, nhà cao tầng. Hiện nay, TP đang trong giai đoạn tập trung nguồn lực cho các phương tiện, thiết bị để công tác PCCC được tốt hơn.

UBND TP đã giao các sở, ngành liên quan rà soát lại toàn bộ cửa hàng xăng dầu trên địa bàn, yêu cầu tất cả các cơ sở chưa đủ điều kiện phải hoàn chỉnh, nếu không sẽ dừng hoạt động. Phó Chủ tịch UBND TP khẳng định: “Kiểm tra phát hiện các cơ sở thiếu các giấy phép đăng ký kinh doanh thì lỗi này thuộc về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Trong thời gian tới, TP sẽ tiếp tục cho kiểm tra sâu, xem xét xử lý với những trường hợp để xảy ra vi phạm". 

Liên quan đến quy hoạch, quản lý các trung tâm thương mại, chợ dân sinh, chợ tạm, chợ cóc, Phó chủ tịch cũng cho biết TP quyết định dừng việc chuyển các chợ dân sinh thành các trung tâm thương mại bởi trong thời điểm hiện nay, các chợ dân sinh chưa nhất thiết phải chuyển sang vì liên quan đến thói quen, điều kiện sinh hoạt, thu nhập của người dân. 

Với các chợ cóc, chợ tạm, lãnh đạo TP kiên trì chỉ đạo giải quyết nhiều năm, từ giải tỏa, xử lý, xử phạt, đến chỉ đạo UBND quận, huyện, thị xã tìm những khu đất trống để đưa người dân vào kinh doanh buôn bán. Vấn đề chợ 19/12 Phó Chủ tịch lý giải nguyên nhân bắt nguồn từ thói quen của người dân. TP đã chỉ đạo tập trung tạo điều kiện cho chủ kinh doanh ở các chợ trung tâm thương mại ra phía ngoài, tiếp cận được với người mua, người tiêu dùng. 

Kết thúc phần tái chất vấn thực, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh chia sẻ với UBND về vấn đề PCCC. "Như đã nêu trong văn bản, chúng ta biết là không thể giải quyết nhanh các cây xăng trong ngày một ngày hai, mà cần sự vào cuộc của các ban, ngành… Tuy nhiên, đề nghị TP tiếp tục rà soát, phân loại rõ, các cây xăng, trong đó loại không đủ điều kiện thì dừng hoạt động. Đồng thời,
định kỳ công khai những cây xăng không đủ điều kiện, phải di dời và thời gian di dời" - Chủ tịch HĐND cho biết.

Về vấn đề chợ, cần khắc phục, xử lý những bất cập của chợ kết hợp với trung tâm thương mại hiện nay đầu tư không hiệu quả như: Chợ Cửa Nam, Hàng Da…Trong khi đó, dẹp chợ cóc ở đường 21B thì cần có chợ tạm để đáp ứng, đảm bảo đời sống của người dân.

"Nóng" vấn đề nợ trong xây dựng cơ bản

Trong nhóm vấn đề thứ nhất về kinh tế - ngân sách và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, HĐND TP đề nghị UBND TP báo cáo tình trạng nợ xây dựng cơ bản, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp xử lý nợ; khắc phục tình trạng nợ trong thời gian tới và trong năm 2013 và TP đã rà soát bao nhiêu dự án BT, BOT; kết quả rà soát về tiến độ, chất lượng và việc sử dụng đất giao đối ứng với các dự án BT như thế nào?

Theo ông Ngô Văn Quý, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, tính đến thời điểm 30/6/2013, TP có 31 đơn vị có khối lượng thực hiện XDCB vượt kế hoạch giao chưa được thanh toán gồm 2.243 dự án với số vốn đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng.
Hà Nội: Nợ xây dựng cơ bản hơn 3.200 tỷ đồng - Ảnh 1
Ông Ngô Văn Quý, GĐ Sở Kế hoạch - Đầu tư trả lời chất vấn và tái chất vấn.
Chia theo phân cấp nhiệm vụ chi, khối lượng các dự án thuộc nhiệm vụ chi ngân sách TP và ngân sách TP hỗ trợ các quận, huyện, thị xã là 345 dự án với số vốn hơn 1.400 tỷ đồng; khối lượng XDCB thuộc nhiệm vụ chi ngân sách cấp huyện chưa được thanh toán là 1.175 dự án với số vốn gần 1.300 tỷ đồng; khối lượng thuộc ngân sách cấp xã là 720 dự án với số vốn hơn 550 tỷ đồng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được ông Quý chỉ ra là do nhu cầu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng từ nguồn vốn ngân sách lớn, trong khi đó nguồn vốn cân đối có hạn; tình hình khó khăn về kinh tế, thị trường bất động sản đóng băng, nguồn thu từ đấu giá Quỹ sử dụng đất hụt với dự toán đầu năm. Ngoài ra, chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng, để nhà thầu thi công vượt kế hoạch đầu tư, chậm quyết toán công tình hoàn thành làm cơ sở thanh toán; một số chủ đầu tư còn cho triển khai dự án khi chưa có kế hoạch vốn bố trí; việc bố trí còn dàn trải, phân tán, dẫn đến thiếu vốn cho công trình gây ra nợ đọng XDCB… 

“Trách nhiệm để xảy ra tình trạng khối lượng XDCB vượt kế hoạch vốn đầu tư và chưa được thanh toán trước hết là các chủ đầu tư dự án, các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã có khối lượng vượt kế hoạch chưa có vốn thanh toán; công tác tham mưu quản lý nhà nước và XDCB của các sở, ngành liên quan, chỉ đạo của TP đã tích cực tuy còn chưa quyết liệt” - ông Quý cho biết. 

ĐB Phạm Thị Thanh Mai (tổ Hà Đông) chất vấn: Số nợ XDCB hiện nay đã tăng đến hơn 3.000 tỷ, theo cá nhân tôi đã thực sự đáng lo ngại và báo động. Tại sao TP đã chỉ đạo, cảnh báo mà số nợ vẫn tăng? có hay không sự chủ quan trong chỉ đạo, điều hành? Trong bối cảnh thu ngân sách gặp khó khăn, dự báo sẽ còn khó khăn trong 2014, có hay không việc chạy theo thành tích, gây áp lực chỉ tiêu giao quá cao ở một số nơi mà ngân sách không có khả năng đáp ứng? 

Theo ông Ngô Văn Quý có 3 lý do khiến tỷ lệ nợ đầu tư XDCB tăng là: Đối tượng nợ tăng lên, một số huyện báo cáo tăng và có 10 đơn vị có kê khai thêm nợ.

Theo chỉ đạo của UBND TP, hàng năm việc thống kê được thực hiện ở hai thời điểm: 30/6 và 31/12. Do đó, thời điểm hiện nay chưa thể biết được số nợ của năm 2013 có tiếp tục tăng lên nữa hay không. GĐ Sở Kế hoạch - Đầu tư hứa sẽ báo cáo các ĐB ở kỳ họp lần sau. Việc một số chủ đầu tư còn cho triển khai dự án khi chưa có kế hoạch vốn bố trí, ông Quý khẳng định từng quận, huyện, đơn vị phải kiểm điểm nghiêm túc. 

Trước các chất vấn liên tiếp và phần trả lời của vị đại diện UBND TP chưa thỏa mãn được các ĐB, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh nêu câu hỏi: “Bệnh nợ XDCB có chữa được ko? Cần có giải pháp như nào và thời gian xử lý?”

Trả lời câu hỏi của
Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh, ông Quý cho biết: Để chấm dứt nợ XDCB hoàn toàn thì khó. Tuy nhiên, trên tinh thần TP quyết liệt, các quận, huyện, sở, ngành thực hiện nghiêm thì tình trạng nợ XDCB sẽ được xử lý.

Năm 2013: 41 dự án BT phải dừng triển khai

Về số dự án BOT, BT Hà Nội đã rà soát trong năm 2013 và tiến độ, chất lượng, việc sử dụng đất giao đối ứng đối với các dự án BT, ông Ngô Văn Quý, Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội cho biết, năm 2013, trên cơ sở kết quả rà soát đối với 63 dự án BT, có 5 dự án đã hoàn thành, 7 dự án đã ký hợp đồng, đang triển khai; 9 dự án đã giao chủ đầu tư, tiếp tục triển khai, 1 dự án xem xem xét đầu tư sau năm 2015 và 41 dự án phải dừng triển khai.
Hà Nội: Nợ xây dựng cơ bản hơn 3.200 tỷ đồng - Ảnh 2
Với 41 dự án này, quỹ đất dự kiến đối ứng giao lại cho các sở, ngành, quận, huyện phối hợp thực hiện các thủ tục, chuẩn bị điều kiện để thực hiện đấu giá đất hoặc đấu thầu dự án theo đúng quy hoạch và quy định của pháp luật.

5 dự án đã hoàn thành gồm: Bảo tàng Hà Nội, Cung trí thức,  trục đường Bắc Hà Đông, đường Lê Văn Lương kéo dài và Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở. Đối với những dự án này, TP yêu cầu cơ quan quản lý hợp đồng và nhà đầu tư phải khẩn trương thực hiện các thủ tục quyết toán công trình theo đúng quy định của pháp luật.

Các sở, ngành, cơ quan liên quan của TP và nhà đầu tư phải đẩy nhanh, hoàn thiện các thủ tục về quy hoạch, bàn giao đất sạch, xác định giá đất và yêu cầu nhà đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất thông qua cơ chế đối trừ theo quy định. Việc xác định giá đất và nghĩa vụ tài chính về đất xong trước ngày 31/12/2013.

Chất vấn về đề này, ĐB Nguyễn Tuấn Thịnh (tổ Chương Mỹ) đặt câu hỏi quy trình thẩm định năng lực tài chính của nhà đầu tư như thế nào? Bởi các dự án BT đều là dự án kết cấu hạ tầng, phải dành đất đối ứng cho nhà đầu tư. Khi các nhà đầu tư gặp khó khăn, phải dừng dự án thì TP vẫn phải tiếp tục đầu tư và gánh chịu hậu quả.

Ông Ngô Văn Quý cho biết, tại thời điểm thẩm định, năng lực tài chính của chủ đầu tư là đủ nhưng sau đó, do nhiều nguyên nhân khách quan từ nền kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản đóng băng đã gây ảnh hưởng khiến dự án phải dừng lại.

Trả lời chất vấn và tái chất vấn về trong báo cáo của UBND TP không rút ra được bài học gì khi 2/3 dự án BT với hàng nghìn ha đất không triển khai được phải dừng lại của ĐB Nguyễn Hoài Nam (tổ Hai Bà Trưng), ông Ngô Văn Quý cho biết, sẽ tiếp tục có đánh giá, tổng kết và có trả lời ĐB HĐND bằng văn bản sau kỳ họp này.

Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt nhận định câu hỏi của các ĐB xung quanh nợ XDCB là rất sát, đây là vấn đề được TƯ, TP và HĐND quan tâm từ nhiều năm nay. Đây cũng không phải là lần đầu tiên vấn đề được đưa ra chất vấn. Các nguyên nhân mà UBND TP đã đưa ra, qua giám sát của Thường trực HDND cho thấy còn một nguyên nhân nữa là nhận thức của cán bộ cấp huyện còn chưa rõ, và cho rằng nợ XDCB là chuyện thường. Ngoài ra, theo ĐB Hoạt nêu ra 3 điểm: Cần quán triệt sâu sắc hơn; công tác kiểm tra giám sát, các đoàn giám sát cứ đều đều; đề nghị kiểm tra xem sau văn bản như nào? Không thể để cứa ra văn là xong.
Trong phần kết luận liên quan đến nợ xây dựng cơ bản và dự án BT, BOT, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh nhận định, 13 đại biểu và 16 lượt chất vấn, tái chất vấn được thực hiện rất thẳng thắn. Chủ tịch HĐND TP khẳng định thực trạng nợ XDCB đến thời điểm này là vấn đề "nóng" và đáng lo ngại. Chủ tịch HĐND dẫn chứng: Cuối năm 2008, khi Hà Nội thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về việc mở rộng địa giới hành chính thì con số gần 2.000 tỷ đồng. Với quyết tâm cao độ của toàn TP, số nợ này đã xử lý xong cho đến hết trong 2 năm 2009 và 2010. Tuy nhiên, hôm nay, theo báo cáo của UBND TP đưa ra con số nợ là hơn 3.200 tỷ đồng. 
“Vấn đề này mặc dù đã được cảnh báo từ nhiều kỳ họp HĐND trước đây nhưng nợ vẫn cứ tăng. Trong 5 nguyên nhân chỉ ra phần lớn đều là chủ quan, rơi vào công tác quản lý nhà nước. Do đó, nếu chúng ta không nhận thức đầy đủ thì khó mà khắc phục” - bà Thanh nhận định 
Với đầy đủ kinh nghiệm pháp lý và kinh nghiệm có được trong xử lý nợ những năm trước đây, Chủ tịch HĐND TP tin tưởng Hà Nội có thể được xử lý được nợ trong xây dựng cơ bản. Và kinh nghiệm đã có của nợ đọng năm 2008 đã xử lý được.
"Theo báo cáo của UBND TP phần nợ của TP khoảng 1.400 tỷ đồng, các quận, huyện, thị xã là: 1.837 tỷ đồng. Đề nghị UBND TP chỉ đạo quyết liệt hơn, không để phát sinh nợ mới và cần phải phân tích kỹ lưỡng hơn, rõ địa chỉ hơn đối với các đơn vị nợ đọng xây dựng cơ bản nêu ở trên, ngân sách cấp nào nợ cấp đó phải trả, phấn đấu trả xong trong năm 2014" - Chủ tịch HĐND cho biết.

Chiều nay, phiên chất vấn sẽ tiếp tục với 2 nội dung: Quản lý đất đai và xã hội, dân sinh.