Số liệu quan trắc từ Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho thấy, tính đến 15 giờ chiều 19/8, tổng lượng mưa đo được tại các trạm: Cầu Giấy 118,2mm, Nam Từ Liêm 121,9mm, Yên Sở 131,8mm, Nguyễn Khuyến 136,4mm, Hoàng Mai 125,4mm, Hoàn Kiếm 128,4mm, Vân Hồ 120,1mm…
Khơi thông cống ở các điểm ngập tại Hà Nội. |
Do lượng mưa lớn trên diện rộng, mực nước sông Nhuệ dâng cao (tại Trạm bơm Đồng Bông I là 5,30m, tại Thanh Liệt là 4,55m) nên đã xảy ra úng ngập tại Hoa Bằng, Phạm Văn Đồng, Tân Triều, Ngọc Hồi, Phùng Khoang, Quan Nhân, Cự Lộc, Minh Khai, Mạc Thị Bưởi, Hoàng Mai, Nguyễn Chính… với mức ngập sâu từ 0,25 - 0,4m. Một số vị trí khác như ngã tư Tây Sơn - Thái Hà, Phan Văn Trường, Minh Khai (chân cầu Vĩnh Tuy)… có hiện tượng dềnh nước cục bộ.
Ngập sâu ở ngã tư Phan Bội Châu, Lý Thường Kiệt (Hà Nội). |
Để đảm bảo việc tiêu thoát nước kịp thời, Công ty đã huy động 100% lực lượng ứng trực với hơn 2.000 cán bộ, công nhân viên, 200 đầu xe máy, thiết bị cơ giới để phục vụ giải thoát nước tại các vị trí được phân công theo phương án thoát nước mùa mưa và phòng chống thiên tai năm 2016.
Lực lượng CSGT Hà Nội có mặt tại 351 điểm có nguy cơ ngập úng để ứng trực, phân luồng giao thông. Ảnh Nguyễn Hoàn |
Các cửa phai hồ Thành Công, Giảng Võ, Bảy Mẫu, Đống Đa, Linh Đàm… đã được mở để điều hoà nước theo quy trình. Trạm bơm Yên Sở, trạm bơm Đồng Bông I, II, Thanh Bình… vận hành hết công suất để hạ mực nước trên hệ thống, chủ động đối phó với diễn biến của mưa bão. Những hướng đi tránh bị ngập ở Hà Nội Hiện tại, Hà Nội, nhiều tuyến phố đã ngập chìm trong nước, các phương tiện đi lại vô cùng khó khăn. Vào thời điểm này, người dân nên hạn chế đi ra ngoài đường. Khu vực nội thành Hà Nội đang có mưa rất to, nhiều tuyến phố đang bị ngập sâu trong nước từ 20 - 50cm như: đường Giải Phóng, Phạm Văn Đồng, Láng Hạ, Minh Khai, Trần Bình, Trần Cung, Vũ Ngọc Phan, Lê Duẩn, Huỳnh Thúc Kháng, Thái Hà, Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch, Trường Chinh, Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Cao Bá Quát, Đội Cấn... Đặc biệt, các tuyến đường như Thụy Khuê, Đội Cấn, Mai Xuân Thưởng, Nguyễn Khuyến, Triều Khúc, Tạ Hiện, Định Công, Kim Giang, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân… ngập khoảng nửa bánh xe, nước tràn vào ống xả khiến nhiều xe chết máy. Người dân nên tránh những tuyến đường này, đề phòng những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Các tuyến đường khác như Lê Văn Lương, Tôn Đức Thắng, Xã Đàn, Ô Chợ Dừa, Tố Hữu, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến... bị ngập nhẹ. Dự đoán vào thời điểm tan tầm, số lượng phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến cộng với việc di chuyển rất khó khăn sẽ dẫn đến hiện tượng tắc đường trên nhiều tuyến phố nội thành Hà Nội. Để tránh các tuyến đường bị ngập nặng, người tham gia giao thông có thể di chuyển theo hướng như sau: Đi từ trung tâm Hà Nội về quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm theo các tuyến đường như Nguyễn Thái Học - Kim Mã - Cầu Giấy - Phạm Văn Đồng (Phạm Hùng). Từ Trung tâm Hà Nội về quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai theo tuyến đường Xã Đàn - Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân, hoặc Lê Duẩn - Giải Phóng. Từ Trung tâm Hà Nội hướng đi về các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông theo các tuyến đường như: Láng Hạ - Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến (Tố Hữu) - Nguyễn Trãi hoặc Đại Cồ Việt - Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc - Thái Hà (Tây Sơn) Từ 16h ngày 19/8, PC67 - Công an TP. Hà Nội đã tăng cường lực lượng trên nhiều tuyến phố. CSGT chủ yếu phân luồng các tuyến có nguy cơ cao về ngập úng, đổ cây và hỗ trợ các lực lượng khác khi bão số 3 đổ bộ.