Hà Nội: Ô tô con chiếm tới 42,18% diện tích giao thông

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 30/11, Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Đề xuất các giải pháp giảm thiểu ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông trên địa bàn TP Hà Nội” với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các bộ, ngành.

Trước tốc độ đô thị hoá, gia tăng dân số cơ học, phương tiện cá nhân nhanh chóng, trong khi hạ tầng giao thông chậm phát triển, Hà Nội đang phải đối diện với tình trạng UTGT ngày càng nghiêm trọng.

Giám đốc Trung tâm Phát triển giao thông đô thị & nông thôn, Viện Chiến lược và phát triển GTVT, ThS Phạm Hoài Chung nhận định, một trong những nguyên nhân lớn nhất của tình trạng UTGT là sự gia tăng phương tiện cá nhân.
 Các đại biểu tham gia hội thảo
Theo tính toán, trong khi diện tích đất dành cho giao thông của Thủ đô chỉ tăng trưởng 0,4%/năm thì số lượng phương tiện lại tăng 4,6%/năm, dân số tăng 2,3%/năm; nhu cầu đi lại tăng 2,3%/năm.

Số liệu của Công an TP Hà Nội cho thấy, hiện TP có 546.057 ô tô, trong đó 368.665 ô tô con; 5.045.672 xe máy. Số phương tiện này hàng ngày chiếm dụng tới 85,8% mặt đường lưu thông toàn TP. Đặc biệt, ô tô dù chỉ chiếm 14,38% lượng phương tiện nhưng chiếm tới 42,18% mặt đường.

Chênh lệch đó cho thấy sự mất cân đối nghiêm trọng giữa khả năng đáp ứng của hạ tầng và nhu cầu đi lại, tham gia giao thông của người dân Thủ đô. Bên cạnh đó, nhiều công trình hạ tầng chưa kịp hoàn thiện đã không còn đáp ứng được nhu cầu thực tại.

Các tính toán còn cho thấy, nếu không có sự kiềm chế hữu hiệu tăng trưởng xe cá nhân, đến năm 2030, loại hình phương tiện này sẽ khiến hạ tầng TP quá tải từ 7,5 - 10,7 lần. Tình trạng đó đòi hỏi cơ quan chức năng phải sớm có biện pháp quyết liệt để tăng cường quản lý phương tiện cá nhân, nhất là ô tô.
  tô con chiếm 14,3% lượng phương tiện nhưng chiếm tới 42,18% diện tích giao thông
Chuyên gia tư vấn cao cấp Nhật Bản Takagi Michimasa chia sẻ, tại Nhật Bản các biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân hữu hiệu nhất là đánh vào kinh tế hoặc biện pháp có sự hợp tác của các cơ quan, tổ chức.

Cụ thể như: thu phí đỗ xe trong nội đô với giá rất cao; các cơ quan chính phủ cấm nhân viên đi làm bằng phương tiện cá nhân, hỗ trợ họ đi lại bằng phương tiện công cộng...

Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng mổ xẻ, phân tích nguyên nhân chậm phát triển của loại hình vận tải hành khách công cộng (VTHKCC). Trên thực tế, Hà Nội mới chỉ có xe buýt là loại hình VTHKCC chính yếu, nhưng mạng lưới xe buýt này vẫn chưa phát huy được hết tác dụng do thiếu điều kiện hoạt động.

Chủ tịch Hiệp hội VTHKCC Hà Nội Nguyễn Trọng Thông nhận định, việc thiếu làn đường riêng, phải vận hành chung với phương tiện các nhân đang hạn chế năng lực vận hành của xe buýt, kéo dài thời gian mỗi lượt chuyến, không đáp ứng được nhu cầu của hành khách.

Muốn hạn chế phương tiện cá nhân cần phải phát triển VTHKCC, nâng cao chất lượng phục vụ loại hình này. Thế nhưng, nếu còn chưa có các điều kiện ưu tiên phù hợp, VTHKCC còn lâu mới có thể đạt được mục tiêu đó.

Các chuyên gia cũng đề cao vai trò của truyền thông trong việc tuyên truyền, nâng cao ý thức khi tham gia giao thông của người dân. Đặc biệt là tuyên truyền để người dân hiểu và hạn chế dần việc sử dụng phương tiện cá nhân.

Chỉ khi hạn chế được phương tiện cá nhân, nâng cao chất lượng, khả năng đáp ứng của VTHKCC thì vấn nạn UTGT của Hà Nội mới có thể được giải quyết tận gốc rễ.