Để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, thực phẩm, những năm qua, nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới đã được Hà Nội đưa vào sản xuất, mang lại giá trị kinh tế cao. Điển hình là các giống lúa của Nhật Bản, các giống bò Lai Sind, 3B, hay giống lợn nhập khẩu…
Hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi cũng phát triển khá sôi động trên thị trường, với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Điều này giúp người nông dân có nhiều lựa chọn để phát triển kinh tế hộ cá thể, tư nhân.
Nhận thức được tầm quan trọng của quản lý giống cây trồng, vật nuôi, từ đầu năm 2021 đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại cơ sở. Theo đó, cơ quan chức năng thuộc Sở đã tiến hành kiểm tra 7 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng và 12 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi.
Kết quả, đã phát hiện 1 cơ sở giống cây trồng và 2 cơ sở giống vật nuôi có vi phạm. Các cơ sở vi phạm đã bị lập biên bản, yêu cầu khắc phục lỗi. Đồng thời, xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 cơ sở có vi phạm tổng số tiền 113 triệu đồng.
Dù vậy, việc kiểm tra, giám sát mới chỉ được triển khai theo kế hoạch; chưa có cuộc kiểm tra đột xuất nào được thực hiện từ đầu năm. Ngoài ra, việc giám sát chất lượng giống cây trồng, vật nuôi cũng chưa thực hiện được. Trong nhóm vật tư nông nghiệp, Sở NN&PTNT Hà Nội mới tập trung lấy mẫu phân tích, kiểm nghiệm cho nhóm thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi (bao gồm cả thủy sản).
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, ngoài yếu tố hiệu quả sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi còn có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo đảm chất lượng nông sản, an toàn thực phẩm và giúp người nông dân yên tâm sản xuất. Chính vì vậy, thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền những quy định mới về điều kiện sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi theo quy định pháp luật.
Cùng với đó, chủ động phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra. Thường xuyên hoặc đột xuất lấy mẫu sản phẩm lưu thông trên thị trường để có đánh giá thực trạng, kiểm soát chất lượng khách quan. Đồng thời, tiếp tục thực hiện đánh giá, phân loại các cơ sở và xử phạt nghiêm các trường hợp có vi phạm trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp.