Hà Nội quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn ODA

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 10 tháng đầu năm 2020, tuy có ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch và có giải pháp để việc triển khai dự án ODA của TP không bị gián đoạn. Từ nay cuối năm, Hà Nội phấn đấu hoàn thành 100% vốn kế hoạch giao.

 Hội nghị trực tuyến ''Tình hình thực hiện và giải ngân nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nhà tài trợ'' tại đầu cầu Hà Nội

Báo cáo Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến “Tình hình thực hiện và giải ngân nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nhà tài trợ” sáng 29/10, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, năm 2020, 9 dự án ODA của TP được giao kế hoạch vốn là 5.229,488 tỷ đồng (sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh kế hoạch vốn ODA cấp phát ngày 27/10/2020).

Trong 10 tháng đầu năm 2020, tuy có ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng TP đã chỉ đạo các chủ đầu tư có biện pháp phòng chống dịch và có giải pháp để việc triển khai dự án ODA không bị gián đoạn. Đến 28/10, giá trị thực hiện kế hoạch năm 2020 được 1.195,3 tỷ đồng, đạt 52,04% kế hoạch. Trong đó, vốn ODA thực hiện 1.810 tỷ đồng, đạt 51,97% kế hoạch ; vốn đối ứng thực hiện 385,3 tỷ đồng, đạt 52,42% kế hoạch.

Để thúc đẩy việc giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có vốn ODA, TP đã chủ động triển khai nhiều giải pháp ngay từ đầu năm 2020. Cụ thể, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT về việc phân bổ, giao kế hoạch đầu tư phát triển năm 2020. TP đã giao kế hoạch đầu tư phát triển sớm ngay từ đầu tháng 12/2019. Việc phân bổ và giao kế hoạch đã được thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công. TP đã nhập 100% dự toán trên hệ thống Tabmis đảm bảo giải ngân kịp thời

TP cũng ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư công trung hạn và năm 2020. Tập trung thực hiện quyết liệt một số giải pháp trong quản lý đầu tư, xây dựng nâng cao hiệu quả đầu tư công, hỗ trợ DN, Nhân dân, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội do tác động của dịch Covid-19 (Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 07/4/2020); chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, hoàn thiện các thủ tục đầu tư để khởi công các dự án mới, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng tại các hội nghị giao ban xây dựng cơ bản những tháng đầu năm.

Tháo gỡ khó khăn của Nghị định 68/2019/NĐ-CP của Chính phủ về chi phí đầu tư xây dựng công trình trong quá trình thực hiện, TP đã giao các sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định, và ủy quyền phê duyệt dự toán chi phí các công tác chuẩn bị dự án và dự toán chi phí các công việc để lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công tại các văn bản số 1027/UBND-ĐT ngày 26/3/2020 và số 1170/UBND-ĐT ngày 8/4/ 2020.

Bên cạnh đó, ngày 30/9/2020, UBND TP đã có Quyết định số 4402/QĐ-UBND thành lập 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc thu ngân sách; tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 và năm 2019 kéo dài của TP Hà Nội.

Trong quá trình thực hiện, về cơ bản, các khó khăn đã được tháo gỡ. Tuy nhiên, hiện chỉ còn vướng mắc chủ yếu liên quan tới Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo vướng mắc về thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án chưa thực hiện xong; và liên quan đến quy hoạch  ga ngầm C9 (sát Hồ Hoàn Kiếm) nên không thi công được các gói thầu xây lắp. Dự án này không giải ngân được kế hoạch vốn ODA cấp phát đã giao (đã được điều chỉnh giảm toàn bộ kế hoạch vốn ODA cấp phát năm 2020).

Đối với Dự án Tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, ngày 19/10/2020, UBND TP đã có Tờ trình số 176/TTr-UBND (sau khi tiếp thu, giải trình theo ý kiến của Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính) gửi Thủ tướng Chính phủ về việc quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án. Để góp phần khắc phục các tồn tại, hạn chế trong thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ sớm quyết định về điều chỉnh chủ trương Dự án và việc bố trí vay vốn nước ngoài phần điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm để hoàn thành thủ tục phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư, thúc đẩy việc giải ngân trong năm 2020.

Thời gian tới, TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ tiếp tục kế hoạch thu hút, triển khai nguồn vốn ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ cho TP Hà Nội để tập trung phát triển hệ thống hạ tầng khung, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông mang tính kết nối với các tỉnh, thành trong vùng; các dự án thoát nước, xử lý nước thải đô thị, nước thải làng nghề, cải tạo môi trường các lưu vực các sông Nhuệ, sông Đáy và tiếp tục thực hiện các dự án đường sắt đô thị, góp phần phát triển hệ thống giao thông công cộng, giảm thiểu ùn tắc, cải thiện điều kiện môi trường và phát triển các khu đô thị vệ tinh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần