Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội ra kế sách ‘xử’ 1.200 biệt thự cổ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 8/12/2013, Hà Nội áp dụng quy chế mới về quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn.

Thành phố Hà Nội đã xác định danh mục 1.253 nhà biệt thự cũ xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn các quận Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa để có hướng quản lý.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Hồng Khanh cho biết, từ ngày 8/12/2013, Hà Nội áp dụng quy chế mới về quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn.

Việc quản lý, sử dụng nhà biệt thự phải đảm bảo thực hiện đúng các quy định về quản lý quy hoạch, kiến trúc, pháp luật về nhà ở. Thành phố đã đưa ra các tiêu chí xác định nhà biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước không bán, không tư nhân hóa; nhà biệt thự được bảo tồn, tôn tạo, quản lý, sử dụng phân loại thành 3 nhóm biệt thự.

 
Thành phố Hà Nội đã xác định danh mục 1.253 nhà biệt thự cũ xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn.
Thành phố Hà Nội đã xác định danh mục 1.253 nhà biệt thự cũ xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn.

Thành phố Hà Nội đã xác định danh mục 1.253 nhà biệt thự cũ xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn các quận Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và 312 nhà biệt thự thuộc các loại xây dựng sau năm 1954, đã bị phá dỡ xây dựng lại hoặc chưa bị xây dựng lại nhưng đã bị biến dạng, xuống cấp nghiêm trọng, không thuộc đối tượng quản lý, sử dụng theo quy chế này.

Theo quy chế mới ban hành, nhà biệt thự thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; nhà biệt thự có giá trị về lịch sử văn hóa, cách mạng-kháng chiến và kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu thuộc nhóm 1 và nhóm 2 được cấp Giấy chứng nhận “Nhà biệt thự có giá trị lịch sử văn hóa, cách mạng-kháng chiến và kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu.”

Thành phố không cho phép đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất thuộc các trường hợp như chia tách thành nhiều thửa đất đối với khuôn viên đất của nhà biệt thự thuộc sở hữu tư nhân; chặt hạ cây xanh cổ thụ, xây thêm công trình mới trên khuôn viên đất trống của nhà biệt thự; chia tách hợp đồng thuê nhà đối với nhà biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước.

Việc cải tạo nhà biệt thự thuộc diện phải xin giấy phép xây dựng chỉ được thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép. Tuy nhiên, thành phố quy định rõ khi cải tạo nhà biệt thự nhóm 1-2, chủ đầu tư phải đảm bảo giữ đúng vị trí, kiểu dáng kiến trúc, hình ảnh nguyên trạng và quy hoạch của nhà biệt thự cũ (mật độ xây dựng và số tầng, độ cao).

Trường hợp nhà ở riêng lẻ là nhà phụ của nhà biệt thự thuộc nhóm 2 và nằm trong khuôn viên đất ở phía sau của nhà biệt thự, có thể được xem xét, cấp phép xây dựng, cải tạo phù hợp với quy hoạch, hình dáng kiến trúc, cảnh quan với ngôi biệt thự chính nhưng phải đảm bảo khoảng cách với nhà biệt thự chính theo quy định.

Thành phố không xem xét, cấp giấy phép xây dựng trên phần diện tích đất trống ở phía sau của nhà biệt thự; không xem xét việc cấp giấy phép xây dựng nhà trên khuôn viên đất tại vị trí phía trước và hai bên nhà biệt thự nhóm 2.

Đối với biệt thự nhóm 3, việc cải tạo được thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước và thành phố về quản lý đầu tư và xây dựng. Công trình xây dựng lại trên khuôn viên đất phải là nhà thấp tầng, phù hợp với quy hoạch, kiến trúc được phê duyệt.

Theo Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh, tất cả các nhà biệt thự thuộc danh mục quản lý (bao gồm cả biệt thự thuộc sở hữu của Nhà nước, của các tổ chức, của hộ gia đình, cá nhân) không được tự ý phá dỡ.

Trường hợp biệt thự nhóm 1 và nhóm 2 bị hư hỏng nặng, xuống cấp, có nguy cơ sập đổ, đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng công trình xây dựng, Sở Xây dựng phải kiểm tra, báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố và Hội đồng Nhân dân thành phố (đối với biệt thự nhóm 1) và Ủy ban Nhân dân thành phố (đối với biệt thự nhóm 2) cho phép phá dỡ, xây dựng lại.

Trường hợp biệt thự do cơ quan Trung ương quản lý, Sở Xây dựng kiểm tra, báo cáo Bộ Xây dựng xin ý kiến thỏa thuận trước khi báo cáo thành phố xem xét. Các trường hợp đặc biệt phải phá dỡ để xây dựng công trình khác theo văn bản chấp thuận Thủ tướng Chính phủ thì Ủy ban Nhân dân thành phố quyết định cho phép phá dỡ.

Trường hợp biệt thự nhóm 3 bị hư hỏng nặng, xuống cấp hoặc có nguy cơ sập đổ đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng công trình xây dựng, Sở Xây dựng và Ủy ban Nhân dân quận kiểm tra, báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố cho phép mới được phá dỡ. Công trình xây dựng lại trên khuôn viên đất phải là nhà thấp tầng, phù hợp với quy hoạch, kiến trúc được phê duyệt.

Cũng theo quy định của thành phố Hà Nội, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc người sử dụng nhà biệt thự tự ý phá dỡ nhà biệt thự khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật và phải phục hồi, xây dựng lại theo quy định.