Tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ: Kinh nghiệm của Hà Nội

Hải Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi nhiều nơi vẫn đang loay hoay câu hỏi giảm cơ quan nào, bớt cán bộ ra sao, TP Hà Nội đã chủ động tinh giản biên chế bằng cách làm bài bản, quyết liệt với tinh thần không chỉ tinh giản, cơ cấu lại đội ngũ, mà quan trọng hơn là nâng cao hiệu quả công việc

Khó mấy cũng làm
Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho biết: Ngay từ khi có Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, bám sát quan điểm chỉ đạo, kế hoạch đề ra, Hà Nội đã khẩn trương, nghiêm túc rà soát hoàn thiện, bổ sung quy định chức năng nhiệm vụ, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, thống nhất số lượng, cơ cấu các phòng, ban; số cán bộ cấp trưởng, phó. Kiên quyết sắp xếp, hợp nhất, giải thể những đơn vị sự nghiệp hoạt động không hiệu quả kéo dài hoặc chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; tổ chức lại các đơn vị theo hướng giảm chi ngân sách, tăng dần tự chủ, tiến tới tự chủ hoàn toàn kinh phí.

Như tại huyện Quốc Oai, trước khi sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bộ máy, huyện có 22 phòng, ban, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND huyện với 21 cán bộ cấp trưởng và 49 cán bộ cấp phó. Sau khi giải thể phòng Dân tộc và sáp nhập, đến nay UBND huyện chỉ còn 12 phòng chuyên môn, 5 đơn vị sự nghiệp, giảm 4 đơn vị, giảm 4 cán bộ cấp trưởng và 5 cán bộ cấp phó. Đặc biệt, huyện đã tinh giản được 91 biên chế và 230 lao động hợp đồng có thời hạn.

Cán bộ bộ phận một cửa quận Thanh Xuân hướng dẫn người dân đăng ký thủ tục đăng ký đất đai. Ảnh:  Thanh Hải

Chỉ cần nhìn vào những con số này cũng đủ “choáng” với nhiều nơi còn đang lúng túng “không biết bỏ ai”. Để có được kết quả đó quả không đơn giản, nếu không có sự thống nhất, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị với nhiều cách làm vừa bài bản, vừa sáng tạo. Đích thân Bí thư, Chủ tịch huyện làm tuyên truyền viên để gặp gỡ, nói chuyện, động viên người lao động. Đối với 230 hợp đồng lao động phải tinh giản, huyện đã dành cả một năm để làm, từ việc xây dựng đề án, rà soát, có cơ chế chính sách hỗ trợ cụ thể đến tuyên truyền, vận động. “Việc này làm được phải nhờ sự đồng thuận từ trên xuống dưới, thực hiện công khai, minh bạch, không ngại va chạm, bởi ai chẳng muốn giữ lại cán bộ của mình, nhất là người đã có thời gian công tác, gắn bó ở đơn vị. Rồi không ít trường hợp là con em cán bộ trong huyện. Khó thế nhưng vẫn phải làm vì công việc chung” - một lãnh đạo huyện cho biết.

Tiếp tục tinh giản

Ở cấp TP, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy Phan Chu Đức cho biết, từ năm 2008 đến nay, TP không tăng tổng biên chế công chức. Năm 2016, TP đã cơ bản hoàn thành công tác rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy. Qua rà soát, sắp xếp đã giảm 59 phòng, ban; giảm 39 trưởng phòng, ban, 143 phó phòng, ban; giảm 130 đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở; giảm 27 Ban Quản lý dự án, 2 quỹ, giảm 30 cấp trưởng, 69 cấp phó tại các Ban Quản lý dự án và quỹ. Các cơ quan, đơn vị sau sắp xếp đều hoạt động hiệu quả; chất lượng, khối lượng công việc được cải thiện; phát huy được trình độ, ý thức trách nhiệm của đông đảo đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và người lao động. Tại các quận, huyện, thị xã đã hoàn thành phương án tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện, thị xã và sắp xếp các đơn vị sự nghiệp trực thuộc.

Với quyết tâm thực hiện Nghị quyết 39, các Ban Đảng của Thành ủy đã gương mẫu thực hiện, tiếp đó là Văn phòng UBND TP, các đoàn thể chính trị, xã hội. Toàn TP giải quyết tinh giản biên chế trong 6 tháng đầu năm 2017 là 330 trường hợp. Trong đó, khối cơ quan Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội TP sau khi xây dựng đề án vị trí việc làm giảm 104 biên chế so với tổng biên chế T.Ư giao. “Để có kết quả đó, các cơ quan đã làm tốt công tác tư tưởng, gặp gỡ, trao đổi với những người thuộc diện tinh giản biên chế. Đến thời điểm này, toàn TP tinh giản được hơn 400 người, nhưng chúng tôi chưa nhận được lá đơn nào phàn nàn việc bị ép nghỉ” - ông Phan Chu Đức cho biết. Thời gian tới, TP sẽ tập trung vào các đơn vị sự nghiệp công lập của y tế, giáo dục và văn hóa theo hướng chuyển dần sang tự chủ hoặc cổ phần hóa.

Với sự đồng thuận đó, nên dù phải thực hiện khối lượng công việc lớn, nhưng năm 2016, kinh tế Thủ đô tăng trưởng 8,03% - mức tăng cao nhất trong 6 năm qua. Ðây cũng là năm Hà Nội có số lượng DN thành lập mới, thu hút vốn đầu tư xã hội cao nhất từ trước đến nay. Đến 6 tháng đầu năm 2017, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn là 102.490 tỷ đồng, đạt 50,1% dự toán, tăng 18% so với cùng kỳ - những con số minh chứng không thể cụ thể hơn cho nỗ lực và hiệu quả của hệ thống chính trị TP.
Bảo đảm yêu cầu, tạo thêm động lực

Kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết 39 của TP Hà Nội, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính đã đánh giá cao kết quả TP đạt được với cách làm quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, nên không chỉ đảm bảo yêu cầu mà còn tạo động lực để bộ máy vận hành hiệu quả hơn. Theo ông Phạm Minh Chính, TP nên tiếp tục hướng đi đó với quyết tâm cao hơn, đồng thời, tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ các cơ quan, tăng cường phân cấp, xã hội hóa những lĩnh vực tư nhân có thể tham gia để tách các dịch vụ công ích khỏi công tác quản lý Nhà nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần