Hà Nội sẵn sàng cho chiến dịch tiêm vaccine lớn nhất lịch sử

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 trên toàn quốc, Hà Nội đã sẵn sàng mạnh mẽ cho chiến dịch tiêm lớn nhất trong lịch sử với quyết tâm sớm thực hiện thành công, an toàn, tạo miễn dịch cộng đồng.

Đáp ứng 200.000 mũi tiêm/ngày
Theo thông tin từ Bộ Y tế, dự kiến sẽ có khoảng 124 triệu liều vaccine từ các nguồn khác nhau được cam kết cung ứng cho Việt Nam cho tới cuối năm 2021, từ nguồn hỗ trợ của Chương trình Giải pháp tiếp cận vaccine phòng Covid-19 toàn cầu (COVAX Facility; 38,9 triệu liều). Bộ Y tế đàm phán trực tiếp mua vaccine của Pfizer/BioNTech (31 triệu liều); mua vaccine của AstraZeneca (AZ) (30 triệu liều); Tập đoàn T&T mua 40 triệu liều vaccine Sputnik-V của CHLB Nga và sẽ hỗ trợ miễn phí 20 triệu liều cho Bộ Y tế; vaccine do Chính phủ Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Đại sứ quán các nước... hỗ trợ (khoảng 3,5 triệu liều)... Riêng trong tháng 7 này, có hơn 9 triệu liều vaccine sẽ về đến Việt Nam.
 Tiêm vaccine Covid-19 tại Bệnh viện E, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, toàn bộ số vaccine tiếp nhận đã được phân bổ theo nguyên tắc công bằng, minh bạch, ưu tiên cho các tỉnh, thành đang có dịch, các tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm hoặc có thực hiện thí điểm các đề án phát triển kinh tế của Chính phủ, các tỉnh, thành có nhiều KCN, cụm công nghiệp, đông công nhân và dân cư; các tỉnh, thành có biên giới, giao lưu đi lại lớn, có cửa khẩu quốc tế và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tại Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định, để thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, việc tiêm chủng vaccine để phòng ngừa, tạo miễn dịch cộng đồng ngày càng trở nên cấp bách và là biện pháp căn cơ, hiệu quả, bền vững. Qua 4 đợt tiêm chủng vaccine, Hà Nội đã tiêm được gần 200.000 liều đảm bảo an toàn.

Với chiến dịch tiêm chủng lần này, số lượng người trong độ tuổi cần tiêm chủng (tuổi từ 18 - 65) trên toàn thành phố là hơn 5,1 triệu người (căn cứ theo Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ). Nếu nguồn cung vaccine bảo đảm, thành phố sẽ phấn đấu đạt tối đa 200.000 mũi tiêm/ngày.

Hiện thành phố đã rà soát toàn bộ trang thiết bị bảo quản vaccine, với số trang thiết bị hiện có có thể tiếp nhận tối đa cùng lúc 1,3 triệu liều. Việc phân bổ vaccine cho các địa phương để triển khai tiêm được thực hiện theo nguyên tắc cấp vaccine cho các địa phương có nguy cơ cao nhiều hơn. Khi đủ vaccine, sẽ phân bổ và tiêm đủ cho các đối tượng tại tất cả các quận, huyện, thị xã. “Đây là chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn chưa có tiền lệ. Vì vậy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện cần thống nhất, xuyên suốt, chặt chẽ. Hà Nội đã sẵn sàng mạnh mẽ cho chiến dịch, quyết tâm sớm thực hiện thành công, an toàn chiến dịch tiêm chủng này nhằm đạt mục tiêu, tạo miễn dịch cộng đồng để các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường mới” - Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, thành phố sẽ triển khai 1.200 dây chuyền tiêm chủng trên toàn địa bàn, để đảm bảo an toàn tiêm chủng, Sở Y tế Hà Nội huy động 100 tổ cấp cứu cơ động sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp xảy ra các phản ứng sau tiêm.

Sự kỳ vọng của người dân

Những ngày vừa qua, nhiều người dân trên địa bàn thành phố hết sức bất ngờ khi nhận được thông tin Hà Nội sẽ triển khai tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 trên diện rộng cho người dân.

Nắm được thông tin này, chị Nguyễn Hà Linh (KCN Sài Đồng, Long Biên) khấp khởi mừng. “Vừa qua, công nhân KCN tại nhiều địa phương mắc Covid-19 khiến chúng tôi lo lắng vô cùng. Cùng với các biện pháp phòng chống dịch của thành phố, chúng tôi mong muốn được thành phố cho triển khai tiêm vaccine sớm. Nguy cơ dịch xâm nhập vào các KCN tại Hà Nội rất hiện hữu, có vaccine mới có thể yên tâm phần nào” - chị Linh chia sẻ.

Còn bà Nguyễn Thị Hồng, Khu Hapulico, Thanh Xuân, Hà Nội, cho biết, vừa qua, nghe tổ trưởng tổ dân phố thông báo cho người dân đăng ký tiêm vaccine Covid-19, gia đình bà nói riêng và những hộ dân sống ở đây hết sức vui mừng. “Việc đăng ký đến nay đã hoàn tất, chỉ chờ vaccine về để được tiêm, chúng tôi đang mong ngóng từng ngày” - bà Hồng nói.

Là một người lao động tự do, anh Nguyễn Đình Trung, trọ tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy lo lắng, dù thời điểm này, dịch Covid-19 diễn biến khá phức tạp, nhưng vì mưu sinh, hàng ngày anh vẫn phải chạy Grap để trang trải cuộc sống. Tiếp xúc khách hàng nhiều, nguy cơ cao, anh Trung mong muốn trở thành đối tượng được thành phố ưu tiên tiêm vaccine trong đợt tới. “Vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã đề nghị tiêm chủng cho cả đội ngũ shipper, tôi mong muốn Hà Nội cũng đưa những đối tượng này vào diện ưu tiên” - anh Trung bày tỏ.

Tất cả đã sẵn sàng, chỉ chờ nguồn vaccine

Đề cập đến vấn đề đăng ký tiêm vaccine, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, mọi người dân đều có thể đăng ký tiêm chủng theo 2 cách. Một là, đăng ký theo bản đăng ký giấy tại xã, phường, thị trấn, sau đó cán bộ sẽ nhập các dữ liệu lên "Sổ sức khỏe điện tử"; hai là đăng ký online trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 hoặc tải ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử" cho điện thoại dùng hệ điều hành Android và iOS. “Bất kể ai cũng có thể đăng ký tiêm chủng, chúng tôi sẽ căn cứ vào phiếu đăng ký đó để sàng lọc cụ thể từng đối tượng. Cán bộ y tế sẽ phân loại, có người tiêm ở các điểm tiêm thông thường, có người phải tiêm ở bệnh viện” - bà Trần Thị Nhị Hà nói.

Bà Nhị Hà cho biết thêm, có loại vaccine phòng Covid-19 chỉ tiêm cho đối tượng từ 18 - 65 tuổi. Người trên 65 tuổi vẫn đăng ký tiêm chủng; nhưng nên lưu ý, khi đăng ký tiêm chủng trực tuyến cần điền thông tin cụ thể vào cột (trên 65 tuổi) trong phiếu. “Căn cứ vào tình hình sức khỏe của những người trên 65 tuổi sẽ quyết định việc họ được tiêm hay không. Nếu người trên 65 tuổi sau khi được khám lâm sàng mà sức khỏe của họ đủ điều kiện để tiêm thì có thể chỉ định tiêm ở bệnh viện” - bà Hà thông tin thêm.

Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại, với kế hoạch 200.000 mũi tiêm/ngày sẽ gây quá tải cho hệ thống tiêm chủng, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, căn cứ vào phiếu đăng ký tiêm chủng của người dân, thành phố sẽ xây dựng kế hoạch sát với thực tế, người dân đến tiêm theo thứ tự được y tế cơ sở thông báo trước. Tất cả điểm tiêm đều đảm bảo giãn cách để phòng chống dịch Covid-19. “Tuy nhiên, Hà Nội có thực hiện thành công chiến dịch tiêm chủng hay không, có đảm bảo công tác phòng chống dịch tốt hay không, còn cần sự hợp tác tốt của mỗi người, tuân thủ nghiêm theo qui định của TP và khuyến cáo 5K của ngành y tế ” - bà Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.

Đến thời điểm này, thành phố đã sẵn sàng đáp ứng tất cả các khâu trong chiến dịch tiêm chủng, tuy nhiên, số lượng bao nhiêu người sẽ được tiêm vaccine hoàn toàn phụ thuộc vào lượng cấp phát vaccine chuyển về cho Hà Nội.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, chiến dịch tiêm chủng lần này có nhiều điểm mới so với các chiến dịch tiêm chủng trước đây. Theo đó, thiết lập hệ thống bảo quản, vận chuyển vaccine dưới sự điều hành của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng, vaccine được đảm bảo chất lượng và vận chuyển nhanh nhất từ các kho trung tâm tại các Quân khu tới thẳng các điểm tiêm. Thiết lập hệ thống giám sát chất lượng thông qua giám sát toàn bộ quy trình bảo quản, vận chuyển tổ chức tiêm và quản lý điều hành trực tuyến toàn bộ quá trình tiêm chủng. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, Bộ Y tế cùng các bộ, ngành quyết tâm, nỗ lực để thực hiện hiệu quả, thành công chiến dịch tiêm chủng với phương châm “tiêm đến đâu an toàn đến đó”, “không bỏ phí bất cứ một liều vaccine nào” và “không lãng phí bất cứ đồng nào từ Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 của Việt Nam”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần