Sáng 10/9, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến chủ trì hội nghị trực tuyến thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19. Đồng chủ trì có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền.
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến chủ trì hội nghị trực tuyến thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sáng 10/9. Ảnh: Trọng Tùng. |
Tăng trưởng ở nhiều nhóm lĩnh vực
Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn, nông nghiệp Hà Nội tiếp tục giữ được sự ổn định trong 8 tháng vừa qua. Diện tích rau màu các loại đạt 28.454ha, với sản lượng khoảng 520.000 tấn. Cây lâu năm hiện có 23.160ha, riêng diện tích cây ăn quả đạt 19.391 ha.
Chăn nuôi trâu, bò không phát sinh dịch bệnh lớn xảy ra. So với cùng kỳ năm 2020, đàn trâu hiện có 27.200 con, tăng 8,4%; đàn bò 130.400 con, tăng 0,6%. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 8 tháng năm 2021 ước tính đạt 1.231 tấn, tăng 5,5%; sản lượng thịt bò đạt 7.132 tấn, tăng 0,3%.
Đặc biệt, chăn nuôi lợn có sự phục hồi nhanh. Tổng đàn lợn hiện có 1,37 triệu con, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2020; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 8 tháng ước đạt 145.600 tấn, tăng 4,1%. Đàn gia cầm hiện có 39,8 triệu con, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Đối với lĩnh vực thủy sản, tính chung 8 tháng năm 2021, sản lượng ước đạt 73.800 tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 72.700 tấn, tăng3%. Sản lượng trứng gia cầm 8 tháng cũng đạt 1.702 triệu quả, tăng 8%so với cùng kỳ năm 2020.
Dù nông nghiệp vẫn có sự tăng trưởng, tuy nhiên, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên một số diện tích cây trồng đến thời điểm thu hoạch, sản phẩm động vật không tiêu thụ được. Việc chưa có thị trường tiêu thụ ổn định chậm khắc phục nên không khuyến khích người dân đẩy mạnh sản xuất. Giá vật tư đầu vào, nhân công lao động không ổn định và luôn có xu hướng tăng làm tăng chi phí, giảm hiệu quả kinh tế của sản xuất…
Tăng cường sản xuất theo phân vùng
Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-UBND của UBND TP Hà Nội, Sở NN&PTNT đã xây dựng phương án phân chia sản xuất nông nghiệp thành 3 vùng. Trong giai đoạn cuối năm, Hà Nội cơ bản có thể bảo đảm được nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người dân Thủ đô.
Cụ thể, sản lượng thu hoạch vụ Mùa 2021 ước đạt khoảng 265.000 tấn gạo. Hiện, mỗi ngày Hà Nội vẫn duy trì thu hoạch khoảng 230 - 250ha, cung ứng được 1.400 - 1.500 tấn rau, củ các loại cho tiêu dùng.
Ổn định chăm sóc cho 19.390 ha cây ăn quả hiện có tại phân vùng 2, 3. Tổng diện tích cây ăn quả cho thu hoạch 4 tháng cuối năm 2021 khoảng 12.347ha, chủ yếu là: Chuối, ổi, táo bưởi và cam. Hiện, Sở NN&PTNT đang hướng dẫn trồng mới thêm 1.000 ha cây ăn quả (chuối, bưởi, ổi...) tại phân vùng 2, 3.
Từ nay đến cuối năm, Hà Nội cũng sẽ duy trì phát triển tổng đàn chăn nuôi trâu, bò 27.000 con; đàn lợn khoảng 1,6 triệu con trở lên. Giữ ổn định đàn gia cầm 40 triệu con. Đồng thời, rà soát, mở rộng phát triển diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 600ha.
Để sản xuất và tiêu thụ nông sản ổn định, Sở NN&PTNT đề nghị các địa phương chủ động triển khai giải pháp để người dân không thuộc diện cách ly y tế được ra đồng sản xuất. Tiếp tục rà soát các điều kiện cho vụ Đông như nhu cầu và khả năng đáp ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… để có biện pháp tháo gỡ và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Riêng đối với một số địa phương thuộc phân vùng 1 như: Hà Đông, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm... Sở NN&PTNT đề nghị các địa phương rà soát các diện tích có thể tổ chức được sản xuất để động viên, hỗ trợ các hợp tác xã, hội nông dân, hội phụ nữ thực hiện canh tác. Trong đó, chú trọng mở rộng diện tích canh tác rau màu tạo nguồn cung tại chỗ.
Sẽ có chính sách hỗ trợ sản xuất
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến đánh giá cao nỗ lực của ngành nông nghiệp thời gian qua, nhất là trong bối cảnh chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19. Đặc biệt là trong việc phối hợp sản xuất – tiêu thụ, bảo đảm đầy đủ nguồn cung nông sản, thực phẩm cho người dân trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19.
Nhấn mạnh ngành nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế - xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến đánh giá sản xuất nông nghiệp hiện nay vẫn đứng trước nhiều khó khăn. Bà con nông dân đang có tâm lý sản xuất cầm chừng do lo ngại thị trường chưa ổn định. Do đó, vấn đề thị trường cần được các sở ngành, địa phương quan tâm, tháo gỡ.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành trong năm 2021, trong đó có việc chuẩn bị cung ứng hàng hoá dịp Tết Nhâm Dần 2022, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các sở ngành, địa phương tích cực, trách nhiệm trong tổ chức thực hiện kế hoạch phân vùng sản xuất nông nghiệp. Trong đó lưu ý các địa phương vùng 2, 3 trước mắt huy động mọi nguồn lực để khẩn trương thu hoạch vụ Mùa 2021.
“Về nguyên tắc, cần thu hoạch vụ Mùa đến đâu, tiến hành làm đất, canh tác vụ Đông đến đó để bảo đảm nguồn cung cho người dân. TP sẽ nghiên cứu, có cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất cho người dân; đồng thời giao chỉ tiêu cụ thể cho các địa phương. Cơ chế phải đi cùng chỉ tiêu thì mới đạt được thành quả” – Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến cho biết, các sở ngành, địa phương cần rà soát lại phương án phòng, chống dịch bệnh động vật. Quan tâm, định hướng phát triển ngành bảo quản, chế biến nông sản, bởi trong bối cảnh dịch, điều này hết sức quan trọng nhằm lưu trữ hàng hoá được lâu hơn, bảo đảm nguồn cung trong mọi tình huống.
Song hành với phát triển nông nghiệp, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm, triển khai công tác xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là đối với 5 huyện và 14 xã nằm trong kế hoạch về đích năm 2021. “TP chủ trương không chạy theo thành tích, tuy nhiên cần song trùng tất cả các nhiệm vụ để bảo đảm các mục tiêu phát triển” – Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh.
“Ngày trước, khi có chủ trương về xây dựng nông thôn mới, Thành uỷ đã kêu gọi các quận hỗ trợ các huyện nguồn lực đầu tư, nâng cấp tiêu chí. Trong bối cảnh hiện nay, hầu hết các quận đều nằm trong “vùng đỏ”. Các huyện, thị xã được phân vào vùng 2, 3, là “vùng xanh”, có thể nới lỏng dần để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Do đó, TP khuyến khích các huyện xem xét việc hỗ trợ cho các quận “vùng đỏ”, nhất là về nông sản, thực phẩm” – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền |
“Hiện, đang vào cao điểm mùa mưa lũ năm 2021, ngành nông nghiệp đề nghị các sở ngành, quận, huyện, thị xã kích hoạt phương án phòng, chống thiên tai, nhất là khu vực ven sông Tích, Bùi… Thông báo cho chính quyền, người dân tại vùng ven sông Hồng, sông Đà và lên phương án di dời hộ dân, lồng bè sản xuất trong trường hợp các hồ chứa thuỷ điện xã lũ. Ngoài các yếu tố bảo đảm an toàn phòng chống thiên tai, cần chủ sẵn sàng tiêu thoát nước chống úng, bảo vệ sản xuất vụ Đông, bảo đảm nguồn cung nông sản, thực phẩm cho người dân trong tình huống dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp” – Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ |