Hà Nội sẽ có hỗ trợ khi gia súc, gia cầm bị ảnh hưởng thiên tai

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội, đồng thời là Phó trưởng tiểu ban Phục hồi sản xuất (Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai TP Hà Nội) Nguyễn Huy Đăng đã thông tin như trên liên quan tới nguy cơ ngành chăn nuôi có thể bị ảnh hưởng trong mùa mưa bão năm 2017 sắp tới.

Dự kiến năm 2017, Hà Nội phát triển tổng đàn trâu, bò khoảng 175.300 con, trong đó, bò sữa là 17.000 con, bò thịt 133.000 con và trâu khoảng 25.000 con. Tổng đàn gia cầm khoảng 28 triệu con (trong đó, riêng đàn gà là 18 triệu con). Đàn lợn 1,6 triệu con, trong đó, lợn nái khoảng 170.000 con và lợn thịt là 1,43 triệu con. Thời gian qua, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan tích cực triển khai các phương án phòng, chống úng ngập. Dù vậy, trước diễn biến khôn lường của thiên tai, Hà Nội cũng sẵn sàng với tình huống xấu khi chăn nuôi chịu ảnh hưởng từ các loại hình thiên tai, trọng tâm là ngập úng.
 Công nhân HTX Hoàng Long cho đàn lợn ăn.
Theo đó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai TP Hà Nội đã lên kế hoạch dự kiến hỗ trợ gia súc, gia cầm thiệt hại do ngập úng (theo nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh). Cụ thể, đối với đàn gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) đến 28 ngày tuổi sẽ được hỗ trợ 10.000 - 20.000 đồng/con và trên 28 ngày tuổi được hỗ trợ 21.000 - 35.000 đồng/con. Đối với lợn đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 300.000 - 400.000 đồng/con, trên 28 ngày tuổi hỗ trợ 450.000 - 1 triệu đồng/con; lợn nái và lợn đực đang khai thác được hỗ trợ 2 triệu đồng/con. Đối với trâu, bò, ngựa đến 6 tháng tuổi được hỗ trợ 500.000 - 2 triệu đồng/con, trên 6 tháng tuổi được hỗ trợ 2,1 - 6 triệu đồng/con. Và đối với hươu, nai, cừu, dê, sẽ được hỗ trợ từ 1 - 2,5 triệu đồng/con. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết thêm: Khả năng cung cấp con giống hiện nay có thể bảo đảm công tác phục hồi sản xuất sau úng ngập, nhờ nguồn cung dồi dào từ nhiều cơ sở, trung tâm sản xuất con giống. Khó khăn nhất hiện nay là đảm bảo có đủ thức ăn thô và tinh cho đàn trâu, bò. Vì vậy, thời gian tới, các sở, ngành liên quan cần có kế hoạch chăm sóc diện tích cỏ để tăng sản lượng bù đắp cho lượng cỏ có thể bị hao hụt do ngập úng. Ủ urê cỏ, rơm khô để tăng cường chất dinh dưỡng. Đồng thời, trồng thêm các giống cỏ chịu lạnh, gieo ngô mật độ dày, ngô lấy thân nhằm tăng cường nguồn dự trữ thức ăn cho đàn gia súc gia cầm sau úng lụt vào giai đoạn mùa Đông.