Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội sẽ hỗ trợ đến từng doanh nghiệp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Xác định năm 2013 là năm bản lề thực hiện kế hoạch 5 năm 2011 - 2015. Vì vậy, ưu tiên hàng đầu của TP Hà Nội là ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho doánh nghiệp (DN) thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đồng thời tập trung giải quyết tình trạng tồn kho bất động sản.

Đây là những nội dung chính tại buổi làm việc giữa UBND TP Hà Nội với lãnh đạo Bộ Tài chính (ngày 13/12) nhằm đánh giá những khó khăn và đề ra các giải pháp thực hiện.Theo kết quả điều tra của Cục Thống kê Hà Nội, kể từ khi triển khai gói hỗ trợ LS sau đầu tư, trong tổng số 100 tỷ đồng quỹ hỗ trợ DN mới chỉ có 4 - 5 DN được vay vốn với số vốn giải ngân khoảng 4 - 5 tỷ đồng. Theo đại diện Sở Công Thương, trong bối cảnh hiện nay, TP nên nghiên cứu cải tiến, tạo điều kiện hơn nữa để DN tiếp cận dễ dàng được nguồn vốn.
 
Hà Nội sẽ hỗ trợ đến từng doanh nghiệp - Ảnh 1
Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp phát biểu tại buổi làm việc
 
Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng nhấn mạnh, mỗi DN có một cái khó khác nhau, Hà Nội sẽ xem xét, giải quyết đến từng DN, từng ngành nghề. UBND TP sẽ chỉ đạo các sở, ngành chức năng tổ chức gặp gỡ DN, xác định giải pháp giúp DN giảm chi phí "đầu vào", hỗ trợ "đầu ra", đồng thời tháo gỡ khó khăn về LS ngân hàng, xử lý nợ xấu, tạo điều kiện thuận lợi cho DN vay vốn. TP sẽ kiến nghị triển khai thêm gói lãi suất lưu động (ngắn hạn). Tuy nhiên, những hỗ trợ này sẽ dựa trên cở sở phân loại DN, đưa ra tiêu chí cụ thể. 

Về vấn đề khai thông thị trường bất động sản, Phó Giám đốc Sở Xây dựng ông Đoàn Thành Long đề xuất, nếu các DN được cơ cấu lại các khoản nợ vay cũ đang chịu LS rất cao để chuyển sang hưởng mức LS theo chính sách hiện nay; Người có thu nhập thấp muốn mua nhà nếu được hỗ trợ tín dụng ưu đãi với LS khoảng 8%/năm trong thời hạn từ 5 - 10 năm hoặc được miễn thuế VAT… sẽ góp phần kích cầu thị trường nhà ở và chắc chắn khó khăn của thị trường BĐS sẽ giảm đáng kể.

Ngoài ra, theo ông Long, muốn tạo thanh khoản cho thị trường, TP cần có chính sách để kéo giá thành BĐS xuống, mà cụ thể là bắt đầu bằng việc hỗ trợ DN BĐS trong khâu GPMB, nhận quỹ đất sạch với một mức giá hợp lý.Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Huy Tưởng, chủ trương của TP là những dự án phát triển nhà ở thương mại đã GPMB nhưng chưa triển khai công trình nhà ở thì cho phép điều chỉnh quy hoạch để tăng tỷ trọng nhà ở xã hội phù hợp với nhu cầu của thị trường. Trường hợp các dự án nhà ở thương mại được chuyển thành nhà ở xã hội, TP cũng cho phép chủ đầu tư được hưởng các chính sách ưu đãi như đối với nhà ở xã hội nhưng với điều kiện không tăng diện tích sàn xây dựng và đặc biệt là phải phù hợp với quy hoạch. Tới đây, TP sẽ tăng cường thực hiện công khai công bố quy hoạch. Đây cũng là giải pháp nhằm hạn chế tình trạng phiền hà, sách nhiễu của một số cơ quan quản lý chuyên ngành.

Chia sẻ về những nhiệm vụ đặt ra cho Hà Nội trong năm tới, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp đề nghị, TP Hà Nội tiếp tục hỗ trợ về chính sách, tài chính, ngân hàng nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế đóng góp nhiều hơn cho ngân sách TP...