Theo thống kê từ Bộ Giao thông Vận tải, bình quân mỗi năm nước ta tăng một triệu xe máy, vài trăm nghìn ô tô. Hiện, cả nước có khoảng 1,8 triệu ôtô và hơn 35 triệu mô tô với dân số là hơn 80 triệu. Như vậy cứ 2 người dân thì có 1 ôtô, xe máy. Với mật độ phương tiện giao thông dày đặc như vậy, việc hạn chế phương tiện giao thông là việc phải làm.
Dân số Thành phố Hồ Chí Minh là 5 triệu người, Hà Nội là 7 triệu người, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh chỉ chiếm có 6%. Theo quy hoạch, đất cho giao thông là 15% - 20%, nên muốn đủ đất cho cả giao thông tĩnh và động thì hai thành phố này phải phá bớt nhà đi mới đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân mà không gây ùn tắc.
Có điều, nếu ngay lập tức cấm các phương tiện cá nhân sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt đi lại của người dân. Chính bản thân Bộ trưởng Bộ Giao thông cũng phải thừa nhận rằng, chúng ta đang yếu kém về cơ sở hạ tầng giao thông, các phương tiện giao thông công cộng chưa phát triển phù hợp với nhu cầu thực tế mà người dân mong muốn được sử dụng. Chính vì vậy, nếu cấm ngay các phương tiện cá nhân ở thời điểm này chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng hỗn loạn trong giao thông.
Thống kê sơ bộ về các điểm ùn tắc giao thông tại Hà Nội cho thấy các điểm ùn tắc giao thông chủ yếu tập trung tại các tuyến vành đai. Trầm trọng nhất là vành đai 2 với 7 điểm ùn tắc tại các giao cắt như Láng Hòa Lạc- Láng; Lê Văn Lương- Láng Hạ; Trần Duy Hưng- Nguyễn Chí Thanh… Tại điểm nút Ngã Tư Sở- Trường Chinh- Láng và Giải Phóng- Ngã Tư Vọng- Trường Chinh đã giải quyết được rất tốt vấn đề ùn tắc giao thông do có cầu vượt. Nếu tại các điểm ùn tắc trầm trọng còn lại cũng làm cầu vượt sẽ khắc phục được tối đa ùn tắc giao thông mà không cần can thiệp vào các phương tiện cá nhân mà người dân sử dụng.
Cầu vượt tạm cứu cánh cho ùn tắc giao thông?
Cuối tháng 9, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu TP.Hà Nội chỉ đạo nghiên cứu ngay việc xây dựng cầu vượt lắp ghép cho phương tiện cơ giới đường bộ có trọng tải nhẹ từ 3 tấn trở xuống tại các nút giao thông đồng mức có mật độ giao thông lớn, thường xuyên gây ra ùn tắc giao thông tại khu vực nội đô dành cho xe du lịch, taxi, xe mô tô, xe gắn máy trên các trục hướng tâm, nếu khả thi, an toàn thì cho phép xây dựng 1-2 vị trí thí điểm, rút kinh nghiệm triển khai tiếp.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cũng cho biết, TP. Hà Nội đang có thí điểm xây các cầu vượt nhẹ ở các nút giao cắt ngã tư đồng mức cho xe tải, xe taxi, gắn máy có thể đi trên đó, cũng giảm được ùn tắc. Thành phố cũng dự tính sắp làm thí điểm một số tuyến và sẽ áp dụng phổ biến rộng. Cầu vượt này thi công nhanh trong khoảng 3 tháng, kết cấu khung thép được sản xuất trong các nhà máy, chỉ mang ra lắp.
Theo Bộ trưởng Thăng, ý tưởng cầu vượt nhẹ là của Bộ Giao thông vận tải, cầu vượt nhẹ tuy ảnh hưởng mỹ quan nhưng trong điều kiện tính toán hợp lý thì để giảm thiểu ùn tắc thì phải từ bỏ cái đẹp chứ không thể hoàn hảo được. Trước hết, sẽ được triển khai ở Hà Nội.
Theo KTS Trần Huy Ánh, giải pháp cầu vượt tạm rất hay, nhiều nước trên thế giới đã dùng cách này, nhưng đây chỉ được coi là giải pháp tạm thời. Vấn đề là trong tình hình Hà Nội hiện nay rất phù hợp. KTS Trần Huy Ánh lý giải thứ nhất là cầu tạm thi công nhanh, lắp dựngđồng thời với khai thác, không ùn tắc trong quá trình lắp dựng; Chi phí thấp; có thể dùng lại sau khi bê tông hóa, đem lắp dựng tại nơi khác. Mặt khác, thành phố chưa có một Quy hoạch nghiêm túc về GT đồng mức và các giao cắt lập thể nên vừa làm vừa dò dẫm. Chính vì vậy cách làm cầu tạm này hay, ổn thì để lâu, bất ổn dỡ đi lắp lại hay điều chỉnh linh hoạt ...Phù hợp với lối tư duy tình thế hiện thời.
“Vấn đề là chúng ta nên làm vì chưa có thử nghiệm nào hay hơn”, KTS Ánh nói.