Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã ký văn bản số: 3990/UBND-KGVX, ngày 16/8/2017 về việc triển khai chương trình quảng bá du lịch đối ứng giữa TP Hà Nội và TP Tokyo năm 2017.
Công văn nêu rõ, UBND TP Hà Nội nhận được Tờ trình số 22/TTr-SDL ngày 8/6/2017 của Sở Du lịch Hà Nội, Tờ trình số 1106/TTr-NV ngày 7/8/2017 của Sở Ngoại vụ về việc quảng bá du lịch đối ứng giữa TP Hà Nội và TP Tokyo năm 2017.
Về việc này, UBND TP đồng ý chủ trương cho phép Sở Du lịch triển khai chương trình quảng bá đối ứng giữa TP Hà Nội và TP Tokyo năm 2017 theo đề nghị của Sở Du lịch và Sở Ngoại vụ tại văn bản nêu trên.
UBND TP Hà Nội giao Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Kế hoạch chi tiết và triển khai thực hiện chương trình đảm bảo thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm, báo cáo UBND TP kết quả thực hiện.
Theo Tờ trình số 22/TTr-SDL ngày 8/6/2017 của Sở Du lịch Hà Nội gửi UBND TP Hà Nội về việc quảng bá đối ứng giữa Hà Nội và TP Tokyo và các TP thành viên Hội đồng xúc tiến du lịch châu Á (CPTA), nội dung quảng bá du lịch đối ứng năm 2017, phía Tokyo đề xuất dành cho Hà Nội quảng bá tại Tokyo như sau: Treo 1.310 áp-phích quảng cáo du lịch Hà Nội trong các toa tàu điện ngầm, kích thước 364mm x 515mm; treo 1.320 áp-phích quảng cáo du lịch Hà Nội tại phía trên cửa sổ bên trong các tàu điện ngầm ở Toei với kích thước 280mm x 515mm; quảng cáo du lịch Hà Nội trên 20 bảng led tại nhà ga tàu điện ngầm Toei với kích thước 1.030mm x 1.456mm; thời gian quảng bá từ ngày 2/10 – 1/11/2017; tại 4 tuyến tàu điện ngầm của Tokyo gồm: Asakusa Line, Mita Line, Shinjuku Line và Oedo Line.
Trong khi đó, Sở Du lịch Hà Nội đề xuất TP Hà Nội quảng bá đối ứng với phía bạn như sau: Chiếu clip 30s quảng bá du lịch Tokyo tại màn hình led khu vực đền Bà Kiệu, tần xuất 90 lần/ngày trong thời gian từ 1-30/10/2017; chiếu clip 30s quảng bá du lịch Tokyo tại rạp Kim Đồng trước các buổi chiếu phim từ ngày 1-30/10/2017; giới thiệu du lịch Tokyo trên các báo điện tử Du lịch, Hà Nội Mới, Kinh tế & Đô thị, Dân trí. Mỗi báo 1 bài với chủ đề khác nhau. Thời gian từ ngày 15-20/10/2017; treo 4 tấm áp phích khổ lớn quảng cáo du lịch Tokyo tại mặt kính quay ra phía đường nhà Triển lãm 93 Đinh Tiên hoàng và 45 Tràng Tiền, trong 2 tuần cuối tháng 10/2017.
Tại văn bản này, Sở Du lịch Hà Nội cũng đánh giá, năm 2014, do hiệu ứng quảng bá của TP Hà Nội, lượng khách Nhật bản đến Hà Nội tăng 16%, đạt khoảng 218 ngàn lượt khách, đứng thứ 3 trong các thị trường khách quốc tế đến Hà Nội. Năm 2015, lượng khách NHật Bản đến Hà Nội tăng khoảng 5% đạt 228,6 ngàn lượt. Năm 2016, tăng 4% đạt 238 ngàn lượt. Nhật Bản là thị trường có số lượng khách quốc tế đến Hà Nội cao thứ 3, sau Trung Quốc và Hàn Quốc và chiếm thị phần trên 8% tổng lượng khách quốc tế có lưu trú tại Hà Nội. Đặc biệt, khách Nhật Bản đến Hà Nội chiếm thị phần khá với khoảng từ 30 – 32% tổng lượng khách Nhật Bản đến Việt Nam .
Cũng theo Sở Du lịch Hà Nội, hầu hết các công ty lữ hành Hà Nội chuyên đưa đón khách Nhật Bản du lịch Việt Nam đều cho hay, khách du lịch Nhật Bản có khả năng chi tiêu cao, thường lưu trú tại các khách sạn từ 4 sao, 5 sao. Họ yêu cầu các dịch vụ du lịch chất lượng cao và sẵn sàng chi trả tương xứng. Với thời gian trung bình khoảng 3-4 ngày lưu trú tại Hà Nội cho mỗi hành trình du lịch Việt Nam, mỗi khách chi tiêu trên 1.100 USD cho các dịch vụ lưu trú, ăn uống, tham quan, mua sắm, vui chơi giải trí tại Hà Nội. Đây là mức chi tiêu khá cao so với các khách du lịch quốc tế đến từ các thị trường khác trên thế giới ở Hà Nội.