Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội siết chặt quản lý cước vận tải

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong vòng 7 tháng, giá xăng giảm khoảng gần 40%, nhưng giá cước vận tải giảm không tương xứng, với mức giảm chỉ từ 3 - 33%.

Thực hiện yêu cầu của Bộ Tài chính và UBND TP Hà Nội, các ngành chức năng của TP đã nhiều lần yêu cầu các DN kê khai giảm cước vận tải phù hợp với giá xăng dầu.

67% DN vận tải Hà Nội đã giảm giá cước

Ngày 4/2, Sở GTVT, Sở Tài chính và Công an TP đã có buổi làm việc với các DN vận tải trên địa bàn TP về việc giảm giá cước vận tải theo yêu cầu của liên bộ GTVT, Tài chính. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, trước sự chây ì của các DN, lãnh đạo TP Hà Nội cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan, kiên quyết xử lý các DN vận tải không giảm giá cước trước Tết Nguyên đán. Tính đến hết tháng 1/2015, trên địa bàn TP đã có 87/99 DN taxi và 52 đơn vị, DN vận tải hành khách theo tuyến cố định giảm giá cước vận tải theo yêu cầu của liên bộ GTVT - Tài chính với mức giảm từ 8 - 23%. Hiện nay, một số DN vận tải hành khách theo tuyến cố định đang đăng ký giảm giá cước đến 27%. Tính chung trên địa bàn, đã có 67% DN, đơn vị kinh doanh vận tải tiến hành giảm giá cước vận tải.

Để việc giảm giá cước không mang tính đối phó, hình thức, Phó Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Hoàng Linh yêu cầu các đơn vị bến xe phải giám sát việc niêm yết giá cước vận tải của các DN vận tải, không để xảy ra tình trạng niêm yết một đằng, thu phí một nẻo.

 
Hành khách mua vé tại Bến xe Mỹ Đình. Ảnh:  Linh Anh
Hành khách mua vé tại Bến xe Mỹ Đình. Ảnh: Linh Anh
Đồng tình với quan điểm trên, Đại tá Đào Thanh Hải - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho rằng, ngoài việc tăng cường giám sát, các bến xe cần có những chính sách ưu tiên với những DN vận tải đã tiến hành giảm giá cước như, cho xuất bến trước, được tăng chuyến… Cũng theo ông Đào Thanh Hải, hiện tại, Công an TP đã phối hợp với Thanh tra Sở GTVT tổ chức thanh, kiểm tra các DN vận tải cố tình không giảm giá cước theo quy định.

Từ chối đề nghị của DN tăng phụ thu

Trước việc một số DN đề nghị tăng phụ thu, tăng giá cước trong dịp Tết 2015 với mức tăng đề nghị từ 20 - 60% trong khoảng thời gian 20 ngày trước và sau Tết gây dư luận không tốt và ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Bà Lê Thị Loan - Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội xác nhận việc Sở đã nhận được hồ sơ kê khai giá xin phụ thu giá cước vận chuyển hành khách cho những ngày trước và sau Tết Nguyên đán của một số DN vận tải ô tô tuyến cố định. Tuy nhiên, Sở GTVT và Sở Tài chính không đồng ý, bởi những đề xuất này không có căn cứ, nếu thực hiện chỉ có người dân là chịu thiệt, "yêu cầu đối với các tuyến vận tải khách liên tỉnh hoạt động một chiều rỗng, tuyệt đối không được thu thêm phần phụ thu và hạch toán vào giá cước vận tải" - bà Loan nhấn mạnh.

Sở Tài chính đề nghị các DN kinh doanh vận tải bằng ô tô tuyến cố định không gửi hồ sơ kê khai giá xin phụ thu những ngày giáp và sau Tết Nguyên đán mà phải thực hiện theo đúng mức giá đã kê khai trước đó được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Đồng thời, Sở Tài chính tiếp tục tăng cường kiểm tra tình hình thực hiện kê khai của các DN vận tải trên địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Với các trường hợp chậm kê khai, không chịu giảm giá cước, vi phạm theo quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế và quản lý tài chính sẽ xử lý nghiêm, đồng thời thực hiện công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Nhằm kiểm soát có hiệu quả việc giảm giá cước vận tải hàng hóa phù hợp với biến động giảm giá nhiên liệu, đem lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế - xã hội. TP đã yêu cầu, xăng dầu đã giảm, các hãng xe đầu tư để phục vụ nhân dân nên không được tăng giá cước. Nếu đơn vị nào giảm giá sâu phục vụ nhân dân sẽ cấp thêm lượt chuyến. Nếu đơn vị nào không giảm giá sẽ cắt lượt, cắt chuyến.