Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội tăng giám sát hiệu quả dự án đầu tư

Chia sẻ Zalo

KTĐT - UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 73/KH – UBND yêu cầu tăng cường việc giám sát và đánh giá đầu tư năm 2013 với các dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, đối với dự án sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên, các đơn vị, ban quản lý dự án trực thuộc UBND TP làm chủ đầu tư có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đánh giá đầu tư theo trách nhiệm của chủ đầu tư; chịu sự theo dõi, kiểm tra, đánh giá của UBND TP (trực tiếp là Sở Kế hoạch và Đầu tư) theo trách nhiệm của người có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư trên địa bàn theo phân cấp của Chính phủ.

 

Có 22 dự án sử dụng vốn viện trợ phát triển (ODA), vốn ngân sách (trên 30% tổng mức đầu tư), 31 dự án dùng vốn khác (vốn FDI, dự án BT, BOT) thuộc diện buộc phải giám sát trong năm 2013.

 

Cụ thể, có 6 dự án hạ tầng xã hội nằm trong danh sách này gồm: Trạm xử lý nước thải Bệnh viện Tim Hà Nội; Bệnh viện U bướu Hà Nội; Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Hà Nội; Bệnh viện Đa khoa Phú Xuyên; Trường THCN đa ngành Sóc Sơn; Bệnh viện đa khoa huyện Mỹ Đức.

 

Các dự án sử dụng vốn ODA trong diện phải giám sát bao gồm: Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội; Dự án thoát nước cải tạo môi trường Hà Nội (Dự án II); Dự án tăng cường năng lực quản lý giao thông đô thị; Dự án thực hiện sáng kiến 3R tại Thành phố Hà Nội.

 

Đặc biệt, trong số này có các dự án bất động sản lớn như: Dự án xây dựng khu du lịch sinh thái Đông Anh – Hà Nội của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ Mefrimex; Tòa tháp VCCI của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Khu đô thị Nam Thăng Long của Công ty TNHH phát triển đô thị Nam Thăng Long; Khu chung cư quốc tế Booyoung của Công ty TNHH Booyoung Việt Nam; Tòa tháp thiên niên kỷ Hà Tây của Công ty TSQ của Công ty TNHH TSQ, Cao ốc quốc tế Hồ Tây của Công ty TNHH Cao ốc quốc tế Hồ Tây... Nhiều dự án trong số này đã chậm tiến độ xây dựng hơn 12 tháng.
 
Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện chỉ đạo các chủ đầu tư trực thuộc thực hiện theo dõi, kiểm tra, đánh giá dự án đầu tư theo trách nhiệm của chủ đầu tư; tổ chức theo dõi, kiểm tra, đánh giá dự án do sở và các đơn vị thuộc sở làm chủ đầu tư theo trách nhiệm của người có thẩm quyền quyết định đầu tư; theo dõi thường xuyên đối với các dự án theo quy định.
 
Kiểm tra ít nhất 1 lần đối với các dự án có thời gian thực hiện hơn 12 tháng; kiểm tra điều chỉnh dự án làm thay đổi địa điểm, quy mô, mục tiêu, vượt tổng mức đầu tư từ 30% trở lên; phối hợp với các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã đề xuất UBND TP chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng, sử dụng đất thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý của đơn vị khi có mặt bằng, sử dụng đất thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý của đơn vị khi có yêu cầu của các Bộ, ngành và chủ đầu tư; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường giám sát việc thực hiện quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm môi trường đối với các dự án trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý.
 
Tổng hợp, trình UBND TP các kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành về những vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư thuộc lĩnh vực quản lý và các dự án thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc bảo đảm tiến độ và hiệu quả đầu tư.