Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cho biết, Hà Nội đang tập trung triển khai các quy hoạch ngành, theo quy hoạch chung Thủ đô đến 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đang huy động các nguồn lực để xây dựng hạ tầng đô thị, trong đó trọng tâm là mạng lưới giao thông công cộng, hạ tầng, xử lý môi trường, mạng lưới cấp thoát nước... Để thực hiện được những nhiệm vụ trên, đòi hỏi nguồn lực rất lớn (vốn và nhân lực).
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo làm việc với JBIC về đầu tư PPP.
Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cảm ơn Chính phủ Nhật Bản, thời gian qua đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng vào Hà Nội, bằng nguồn vốn ODA như: Tuyến đường vành đai 3, các tuyến đường sắt đô thị, nhà máy cấp thoát nước... Các dự án này đều phát huy hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Chủ tịch cho biết, nhu cầu phát triển của Hà Nội, nếu trông chờ vào nguồn vốn ODA là chưa đủ, mà cần các loại hình đầu tư khác, như: BT, BOT... đặc biệt là PPP. Với các hình thức đầu tư này, sẽ khai thác tiềm năng các doanh nghiệp Nhật Bản về vốn, nhân lực, kinh nghiệm quản lý điều hành cho các dự án đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đô thị công nghệ mới, tiến tiến Nhật Bản.
Nhất trí cao với các nội dung Đoàn công tác JBIC đã làm việc với các ngành chức năng thành phố, Chủ tịch TP Nguyễn Thế Thảo khẳng định, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho JBIC cũng như các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đô thị Hà Nội theo hình thức PPP. Trước mắt, đề nghị JBIC triển khai ngay 2 dự án có tính khả thi cao (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết) là: Tuyến đường sắt đô thị số 6, Nội Bài đi Trung tâm Hà Nội, dài khoảng 45km (điểm đầu depo Kim Nỗ (Đông Anh) điểm cuối ga Ngọc Hồi (Thanh Trì) và dự án cấp thoát nước toàn bộ khu đô thị mới phía Bắc sông Hồng. Chủ tịch mong muốn JIBIC quan tâm, sớm triển khai đầu tư các dự án này, đồng thời hi vọng Hà Nội sẽ là đơn vị đi đầu trong hình thức triển khai công tư PPP.
Ông Tadashi Maeda khẳng định, Chính phủ Nhật Bản đánh giá cao các dự án đầu tư vào Hà Nội, phát huy hiệu quả và nhất trí cao với các nội dung hợp tác PPP mà thành phố đề xuất và đề nghị thành phố sớm thành lập Ban chỉ đạo chuyên trách để điều hành triển khai các dự án theo hình thức PPP của Nhật Bản.
Riêng đối với dự án đường sắt số 6, đề nghị thành phố phối hợp cùng nhà đầu tư tiến hành khảo sát về lượng hành khách và thời gian đi lại, để xác định quy mô tàu điện và những vấn đề kỹ thuật liên quan, kinh phí khảo sát JIBIC sẽ cung cấp. Ông cũng đồng tình việc triển khai các dự án PPP đối với các dự án cấp thoát nước, tuy nhiên các dự án này đòi hỏi sử dụng điện nhiều, nên cần khảo sát nhu cầu sử dụng để căn cứ vào đó xây dựng dự án triển khai.