Hà Nội tạo nhiều việc làm hấp dẫn cho người khuyết tật

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến cho hoạt động tạo việc làm cho người khuyết tật (NKT) gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Tuy nhiên, ngay sau khi Hà Nội hết thực hiện giãn cách xã hội, Hội NKT Hà Nội và một số chủ cơ sở là NKT tại Thủ đô đã tìm mọi cách tạo việc làm cho người cùng cảnh ngộ.

Người khuyết tật tự tạo việc làm
Đợt giãn cách xã hội vừa qua, Hợp tác xã (HTX) Vụn Art có địa chỉ tại Trung tâm Kinh doanh lụa Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội đã dừng hoạt động do không có khách hàng, doanh thu giảm. Điều này đồng nghĩa với những người lao động làm việc tại HTX Vụn Art (đa số là NKT) phải nghỉ ở nhà vài tháng để phòng chống dịch Covid-19 mà không có lương.
 
Hà Nội tạo nhiều việc làm hấp dẫn cho người khuyết tật - Ảnh 1
Những người khuyết tật đang được anh Lê Việt Cường hướng dẫn làm tranh vải tại Hợp tác xã Vụn Art.
Khi TP Hà Nội chuyển sang trạng thái vừa phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch, HTX Vụn Art quay trở lại hoạt động làm tranh vải và có nhu cầu tuyển thêm lao động là NKT. Giám đốc HTX Vụn Art Lê Việt Cường cũng là NKT chia sẻ: Với mong muốn khôi phục lại sản xuất và tạo cho NKT có công việc, thu nhập, tại “Ngày hội việc làm hòa nhập NKT lần thứ 10 năm 2021” do Hội NKT TP Hà Nội phối hợp tổ chức chào mừng ngày Quốc tế NKT 3/12, tôi đã đăng ký tuyển thêm 5 chỉ tiêu. Mức lương của NLĐ được tính theo sản phẩm; trung bình người bị câm điếc, khuyết tật vận động 5 - 6 triệu đồng/tháng; người tự kỷ thu nhập thấp hơn. Những người lao động làm việc tại HTX Vụn Art đều được ký hợp đồng và đóng bảo hiểm.
Nhờ hoạt động đa dạng các lĩnh vực nên khi TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, HTX Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng tại xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn với 78 lao động (90% là NKT vận động, câm điếc) vẫn duy trì làm việc. Giám đốc HTX Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng Đinh Thị Quỳnh Nga cho hay: Thời gian qua, chúng tôi duy trì trồng nấm, photo copy, in ấn và chuyển sang may khẩu trang nên NKT vẫn có việc làm. Những NKT ở quanh huyện Sóc Sơn thì làm việc trực tiếp tại xưởng; các NKT ở tỉnh xa được bố trí chỗ ở gần xưởng để tiện đi làm; một số NKT thì nhận hàng mang về nhà làm. Mức thu nhập của lao động khuyết tật khoảng 2 - 3 triệu đồng/tháng.
Do trước đây HTX Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng có tổng số 90 lao động nhưng hiện giờ giảm còn 78 nên đơn vị này đang có nhu cầu tuyển thêm một số nhân sự để tới đây khôi phục lại hoạt động các mảng khác.
“Bản thân tôi cũng là NKT, gặp khó khăn trong xin việc làm nên muốn tạo ra sân chơi, chỗ làm việc cho những người cùng cảnh ngộ. Vì thế, những ngành nghề công việc ở HTX  Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng rất phù hợp với khả năng và sức khỏe của NKT”- bà Quỳnh Nga cho hay.
Hà Nội tạo nhiều việc làm hấp dẫn cho người khuyết tật - Ảnh 2
Người khuyết tật đang làm than sinh học tại Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng.

 

Lập kênh Youtube hỗ trợ người khuyết tật
TP Hà Nội có hơn 100.000 NKT, khoảng 30% trong số đó đang ở độ tuổi thanh niên có nhu cầu việc làm để ổn định cuộc sống. Thúc đẩy thực hiện quyền có việc làm cho NKT là một trong những lĩnh vực hoạt động được Hội NKT Hà Nội đặc biệt quan tâm. Bởi đây, là một trong các điều kiện quan trọng để NKT tạo dựng cuộc sống tự lập và hòa nhập bình đẳng với các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Chia sẻ thông tin về tạo việc làm cho NKT, Phó Chủ tịch Hội NKT TP Hà Nội Nguyễn Hồng Hà cho hay: Từ đầu năm 2021, Hội NKT TP Hà Nội đã làm việc với một số DN để tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong việc tuyển dụng lao động là NKT. Đặc biệt, tháng 9/2021, Hội NKT TP Hà Nội đã triển khai kênh Youtube về dịch vụ việc làm cho NKT - đây là một trong những hoạt động trong khuôn khổ dự án “Hợp tác công tư trong việc đào tạo và giáo dục nghề nghiệp cho thanh niên khuyết tật tại Hà Nội, Việt Nam” do Hội Phục hồi chức năng quốc tế Rehabilitation International - RI tài trợ. Thông qua kênh chính thống, những NKT có cơ hội được tiếp cận với các nhà tuyển dụng, tìm kiếm việc làm phù hợp với bản thân, được tập huấn trang bị kỹ năng phỏng vấn, giao tiếp, xin việc...
Hà Nội tạo nhiều việc làm hấp dẫn cho người khuyết tật - Ảnh 3
 Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng hướng tạo nhiều việc làm cho người lao động trong đó có tới 90% là người khuyết tật. 
Ngoài ra, Hội NKT TP Hà Nội còn có trang website, fanpage, bản tin và các đơn vị sản xuất kinh doanh trực thuộc (HTX Vụn Art, Cơ sở học nghề việc làm 3/12, HTX Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng...) có nhu cầu tuyển dụng lao động là cơ hội rất tốt để NKT tìm kiếm việc làm.
Bên cạnh đó, hằng năm, Hội NKT TP Hà Nội còn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm và Hỗ trợ Thanh thiếu niên Hà Nội (trực thuộc Thành đoàn Hà Nội), Trung tâm Dịch vụ việc làm - Sở Lao động TBXH Hà Nội tổ chức các Ngày hội việc làm hòa nhập, phiên giao dịch việc làm lồng ghép để các DN tuyển dụng lao động là NKT vào làm việc ở các ngành nghề may, mộc, công nghệ thông tin, telesales, bán hàng, chăm sóc khách hàng, xoa bóp bấm huyệt với mức lương trung bình 3 - 7 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Hồng Hà, những hoạt động, chính sách hỗ trợ thiết thực của Hội NKT Hà Nội cũng như các tổ chức, trung tâm đã góp phần thúc đẩy các công ty, DN tuyển dụng lao động là NKT. Hội NKT TP Hà Nội đã và đang trở thành địa chỉ tin cậy để các công ty, DN mời hợp tác tư vấn về tuyển dụng NKT vào làm việc như Công ty CP Intel Life, Công ty CP Lotus, Công ty CP Việt Chuẩn, Apec Group, Viện Nghiên cứu ứng dụng tâm lý trị liệu và phát triển nguồn nhân lực... Qua đó để NKT tạo dựng cuộc sống tự lập và hòa nhập bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.