Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội tập huấn Luật Hộ tịch cho 700 cán bộ hộ tịch

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong hai ngày 12- 13/11, Sở Tư pháp Hà Nội tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ Luật Hộ tịch 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành đến 700 cán bộ làm công tác hộ tịch của Phòng Tư pháp các quận huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP.

Hội nghị đã được TS Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục hộ tịch quốc tịch chứng thực, Bộ Tư pháp giới thiệu những nội dung cơ bản, những điểm mới của Luật hộ tịch 2014; Nội dung cơ bản của Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật hộ tịch; Thông tư quy định chi tiết thi hành Nghị định.

Ngoài ra, các đại biểu cũng được phổ biến một số lưu ý về đăng ký hội tịch có yếu tố nước ngoài tại UBND cấp huyện, đăng ký hộ tịch tại UBND cấp xã; cách thức sử dụng biểu mẫu, sổ đăng ký hộ tịch; những lưu ý chung về quyền hạn, trách nhiệm của công chức tư pháp – hộ tịch. 
Hội nghị nghe TS Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục hộ tịch quốc tịch chứng thực, Bộ Tư pháp phổ biến những điểm mới của Luật hộ tịch 2014.
 TS Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục hộ tịch quốc tịch chứng thực, Bộ Tư pháp phổ biến những điểm mới của Luật hộ tịch 2014.
Luật Hộ tịch chủ yếu luật hóa các quy định hiện hành (trong các Nghị định của Chính phủ, Thông tư và Thông tư liên tịch của Bộ, liên Bộ) đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đồng thời quy định một số nội dung mới theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch, hiện đại gắn kết với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký và quản lý hộ tịch, nhằm bảo đảm lợi ích của người dân và tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch. So với quy định pháp luật hộ tịch hiện hành, Luật Hộ tịch có những nội dung mới cơ bản sau:

Luật đề cao vai trò hết sức quan trọng của công tác đăng ký hộ tịch, nhất là đăng ký khai sinh, cấp Giấy khai sinh và Số định danh cá nhân cho người được khai sinh khi đăng ký khai sinh. Đây là quy định mang tính đột phá trong công tác quản lý hộ tịch và quản lý dân cư, là tiền đề quan trọng để tiến tới mục tiêu cắt giảm nhiều loại giấy tờ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân khi tham gia giao dịch, thực hiện TTHC.

Luật quy định xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để lưu giữ thông tin hộ tịch của cá nhân (cùng với cơ sở dữ liệu giấy), kết nối để cung cấp thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Luật có những quy định cải cách mạnh mẽ về trình tự, thủ tục đăng ký hộ tịch, tạo thuận lợi tối đa cho người dân. Cùng với đó, Luật Hộ tịch cũng đã quy định cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan đăng ký hộ tịch cho mình mà không phải phụ thuộc vào nơi cư trú như trước đây. Theo quy định của Luật thì cá nhân có thể được đăng ký hộ tịch tại cơ quan đăng ký hộ tịch nơi thường trú, tạm trú hoặc nơi đang sinh sống. Đồng thời, Luật quy định khi đăng ký hộ tịch, người dân được cấp trích lục hộ tịch. Đối với một số việc hộ tịch quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân là khai sinh, kết hôn, Luật Hộ tịch quy định sau khi đăng ký người dân vẫn được cấp bản chính Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn.

Luật Hộ tịch 2014 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2016, để Luật được triển khai đi vào cuộc sống, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định quy định chi tiết các nội dung đã được giao trong Luật, bảo đảm các nội dung của Luật được triển khai thực hiện có hiệu quả.

Để chuẩn hóa đội ngũ công chức Tư pháp – hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch, Bộ Tư pháp đang phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố  rà soát, bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch và kiện toàn đội ngũ này, dự kiến từ nay đến năm 2016 phải chuẩn hóa đội ngũ công chức Tư pháp – hộ tịch và đến trước ngày 1/1/2020 phải hoàn thành việc đào tạo đối với toàn bộ đội ngũ này.