Quan hệ hợp tác giữa Hà Nội và Thái Nguyên trong nhiều năm đã và đang được tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức triển khai, góp phần tác động tích cực đến các hoạt động kinh tế, văn hóa – xã hội.
Năm 2004, Hà Nội đã hỗ trợ tỉnh xây dựng nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Tỉn Keo, xã Phú Đình trong khu di tích An toàn khu Định Hóa và được công nhận là di tích lịch sử cách mạng. Công trình là biểu tượng hợp tác hữu nghị giữa Hà Nội và Thái Nguyên.
Hai địa phương thường xuyên trao đổi kinh nghiệm về quy hoạch, quản lý đất đai, xã hội hóa đầu tư, phát triển khu công nghiệp. Đến nay, có 54 dự án của các nhà đầu tư đến từ Hà Nội với số vốn dự kiến gần 60 nghìn tỷ đồng. Trong lĩnh vực giao thông, Hà Nội và Thái Nguyên đang tập trung triển khai dự án đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên; nâng cấp, mở rộng các tuyến xe khách; quy hoạch các bến xe…
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị phát biểu tại buổi làm việc.
Đối với công nghiệp, thương mại, dịch vụ cũng được đẩy mạnh. Hai bên phối hợp tổ chức xúc tiến thương mại, tạo điều kiện để các doanh nghiệp của Hà Nội tham gia đầu tư, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn; Hà Nội hỗ trợ quảng bá những mặt hàng thế mạnh tại các hội chợ triển lãm, trung tâm thương mại lớn. Trong thời gian tới, Hà Nội và Thái Nguyên sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác, cung cấp thông tin về quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành để kết nối xây dựng, phát triển, đặc biệt tại khu vực giáp ranh giữa hai địa phương. Hai bên cũng sẽ tập trung ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thực hiện GPMB để thực hiện dự án cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, quốc lộ 3 cũ.
Trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, hai địa phương sẽ thực hiện quảng bá, chia sẻ kinh nghiệm quản lý di tích, lễ hội, tổ chức các tuor du lịch để khai thác các tiềm năng, thế mạnh. Hà Nội sẽ giúp Thái Nguyên trong công tác đào tạo, bồi dưỡng vận động viên thể thao thành tích cao; hỗ trợ tỉnh đào tạo chuyên sâu, chuyển giao kỹ thuật khoa học công nghệ và y tế, giáo dục. Về hoạt động hợp tác giữa Hà Nội – Thái Nguyên, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị bày tỏ sự nhất trí cao về yêu cầu hai địa phương hỗ trợ nhau trong quy hoạch và quản lý sau quy hoạch. Trong đó, cần ưu tiên đến quy hoạch giao thông, tập trung GPMB các dự án trọng điểm như cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, quốc lộ 3, khớp nối các tuyến đường tại khu vực giáp ranh. Với nhiều kinh nghiệm trong tổ chức, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ trong thời gian qua, Hà Nội sẵn sàng chia sẻ để giúp Thái Nguyên làm tốt hơn công tác xây dựng Đảng, chính quyền các cấp. Đồng chí cũng tin tưởng hai địa phương sẽ có nhiều triển vọng hợp tác về thương mại, công nghiệp, du lịch và đề nghị tỉnh có cơ chế chính sách, mặt bằng thuận lợi để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Hà Nội đầu tư phát triển trên địa bàn. Trao đổi cụ thể hơn về tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị gợi mở hai bên cần hợp tác xây dựng các thương hiệu sản phẩm nổi tiếng. Đơn cử như chè Tân Cương ở Thái Nguyên có thể kết hợp với hương sen Tây Hồ để thành trà sen Tây Hồ và nên kết hợp du lịch với quy trình sản xuất đặc sản này để quảng bá thương hiệu, nâng cao giá trị kinh tế. Để đạt hiệu quả thực chất, Bí thư Thành ủy yêu cầu cơ quan chức năng hai địa phương cần thường xuyên gặp gỡ, trao đổi thông tin và tháo gỡ kịp thời các vướng mắc trong quá trình hợp tác. Nhân dịp này, TP Hà Nội đã tặng tỉnh Thái Nguyên 5 tỷ đồng để xây dựng nhà tình nghĩa trên địa bàn.
Chiều cùng ngày, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cũng đã đến thăm, tặng quà gia đình hai thương binh tiêu biểu Phan Thanh Xuân và Trịnh Phương Đông tại xóm Thanh Xuyên 4, xã Trung Thành, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.