Hà Nội tiếp tục lấy 1 triệu mẫu xét nghiệm Covid-19 đợt 2 cho 13 nhóm người nguy cơ cao

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 18/8, Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ ngày 18 đến 20/8, Hà Nội tiếp tục triển khai đợt 2 lấy mẫu xét nghiệm cho khu vực nguy cơ cao và 13 nhóm người nguy cơ cao với số lượng 1 triệu mẫu xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR.

 Cụ thể, 13 nhóm người nguy cơ cao được lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 là: Shipper, người bán hàng tại các chợ truyền thống, chợ cóc; nhân viên bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại; người bán hàng tạp hóa tại nhà; nhân viên bán xăng; lái xe khu công nghiệp, đường dài; bảo vệ tại chung cư, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, đoàn thể; công nhân xây dựng đang mắc kẹt tại Hà Nội; nhân viên bán thuốc tại các quầy thuốc; người làm tại các kho hàng bán lẻ; người trực chốt kiểm dịch; lực lượng hỗ trợ chống dịch; nhân viên công ty môi trường đô thị trực tiếp thu gom rác (lái xe, lao công).
Mục tiêu trong đợt 2 này, TP tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm diện rộng để bóc tách F0 tại các khu vực "vùng đỏ", khu vực nguy cơ, khu vực trọng điểm và những ổ dịch mới phát sinh. Ngoài ra, lấy mẫu xét nghiệm cho các đối tượng nguy cơ cao căn cứ theo yếu tố dịch tễ, các đối tượng di chuyển nhiều, tiếp xúc nhiều...
 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Trước đó, từ ngày 10 đến 15/8, TP đã hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc diện rộng đợt 1 tại các khu vực có yếu tố nguy cơ ở 30 quận, huyện, thị xã. Kết quả đã lấy được 313.010 mẫu, qua đó phát hiện được 29 ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2 tại 5 quận, huyện: Đống Đa (23 ca), Thanh Trì (3 ca), Hoàng Mai (1 ca), Hà Đông (1 ca), Thanh Oai (1 ca) và 312.981 mẫu âm tính.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng, số lượng bệnh nhân trong khoảng một tuần đã giảm nhưng chưa giảm mạnh, chưa giảm bền vững vì cũng có những ngày lên cao. Đồng thời hy vọng sau đợt 2 quét bằng mở rộng xét nghiệm, Hà Nội có thể “bắt” hết được F0 đang rải rác trong cộng đồng. Hy vọng trong đợt giãn cách lần 2 sẽ giải quyết được vấn đề này.
Nhận định về diễn biến dịch tại Hà Nội,  PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn Cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Bộ Y tế cho biết, Hà Nội có ưu điểm là đã có những biện pháp kiểm soát sớm và quyết liệt để dịch không bùng phát lên trong những ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 như các địa phương phía nam. Tuy nhiên, Hà Nội có vấn đề xảy ra lây nhiễm trong chuỗi cung ứng và điều này Hà Nội cần hết sức lưu ý vì đây những đối tượng trong chuỗi này tiếp xúc nhiều người, nếu mắc bệnh sẽ có nguy cơ gây ra lây lan dịch bệnh. Trong mấy ngày nay, Hà Nội đã lấy và xét nghiệm hàng trăm nghìn mẫu trong diện này, phát hiện thêm một số ít ca nhiễm mới ở cộng đồng. Qua việc sàng lọc cho thấy, vẫn có các F0 rải rác, lẩn khuất trong cộng đồng. Vì vậy, nguy cơ dịch bệnh của Hà Nội vẫn rất cao. Do đó, việc giãn cách, thực hiện nghiêm "5K" là biện pháp vô cùng quan trọng để cắt đứt nguồn lây. Nếu tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống thì Hà Nội sẽ kiểm soát được dịch. Cùng với đó, Hà Nội cần thiết kế lại việc xét nghiệm trong đợt tới làm sao ưu tiên xét nghiệm cho các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm, các bệnh viện, nhân viên ngân hàng, bưu điện, shipper…
Ngoài ra, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Hà Nội cần tăng tốc độ tiêm cho đối tượng có nguy cơ cao như người già, người có bệnh lý nền, vùng dịch có nguy cơ cao và tiến tới tiêm cho toàn dân. Việc tiêm vaccine Covid-19 không chỉ dành cho người có hộ khẩu Hà Nội mà phải tiêm cho người sống trên Hà Nội vì dịch có thể lây lan cho mọi người trên địa bàn. Hiện Hà Nội đang đăng ký online tiêm chủng, do đó cũng cần rà soát xem các đối tượng đã đăng ký hết chưa để bao phủ tiêm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần