Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội tiếp tục tập trung gỡ khó cho doanh nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bằng việc triển khai tập trung và đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể, đẩy nhanh việc xây...

Kinhtedothi - Bằng việc triển khai tập trung và đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể, đẩy nhanh việc xây dựng cơ chế, chính sách theo hướng thông thoáng, tạo điều kiện tối đa hỗ trợ cho các DN trên địa bàn phát triển, trong 10 tháng qua, TP Hà Nội đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, đồng hành cùng DN vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn.

Duy trì tiềm năng mọi mặt

Theo số liệu mới nhất của Cục Thống kê TP Hà Nội, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn trong tháng 10 ước đạt 183.325 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2014; tính chung 10 tháng năm 2015 đạt hơn 1.568.410 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp tính chung 10 tháng tăng 7,8% so cùng kỳ. Tình hình nông nghiệp, chăn nuôi trên địa bàn thuận lợi, đến nay, toàn bộ diện tích lúa mùa đã cơ bản thu hoạch xong. Từ đầu năm đến 20/10, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Hà Nội đạt 791,6 triệu USD, chiếm 6,4% tổng số vốn FDI đăng ký cả nước. Đánh giá của cơ quan thống kê cho thấy, dù bối cảnh kinh tế khó khăn nhưng bức tranh kinh tế TP vẫn duy trì tăng trưởng khả quan, do đó, ước GRDP cả năm 2015 của Hà Nội tăng 9,24% (đạt kế hoạch), tính chung 5 năm 2011 - 2015 dự kiến đạt mức tăng trưởng 9,23%.
Sản xuất vi mạch tại Khu công nghiệp Thạch Thất, Hà Nội.	 Ảnh: Thanh Hải
Sản xuất vi mạch tại Khu công nghiệp Thạch Thất, Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Về hoạt động tín dụng, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn TP tháng 10 đạt 1.162.000 tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và 15% so với tháng 12/2014. Nguồn vốn huy động của các TCTD tháng 10 ước đạt 1.399.000 tỷ đồng, tăng 17,5% so với năm trước. Cải cách thuế cũng đạt kết quả khả quan, đến ngày 28/10, số DN khai thuế qua mạng đạt tỷ lệ 98,3%. Đăng ký nộp thuế điện tử là 102.733 DN, đạt tỷ lệ 96,3% số DN đang hoạt động và chiếm tới 1/5 số DN nộp thuế điện tử cả nước. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng nhẹ 0,12% so với tháng trước và tăng 0,42% so với cùng kỳ năm 2014...

Tháo gỡ khó khăn cho DN, kích cầu cuối năm
5 năm tới, Hà Nội sẽ hội nhập rất sâu và rộng cùng với các hiệp định kinh tế mới mà TPP là một ví dụ. Do vậy, mục tiêu tăng trưởng phải đi kèm với tái cấu trúc được kinh tế Thủ đô, chuyển mạnh sang những ngành dịch vụ có chất lượng cao và hiện đại, công nghiệp có hàm lượng chất xám lớn...
TS Võ Trí ThànhPhó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư

Cũng theo thông tin từ Cục Thống kê Hà Nội, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn TP 10 tháng đạt 9.201 triệu USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ (trong đó, xuất khẩu địa phương đạt 6.589 triệu USD, tăng 1,7%). Tuy vậy, trong nhóm mặt hàng xuất khẩu vẫn còn những nhóm hàng có mức giảm khá lớn như hàng thủ công mỹ nghệ (giảm 10,5%), xăng dầu (giảm 21,2%). Mặt hàng nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ là: Sắt thép tăng 15,4%; máy móc, thiết bị phụ tùng tăng 18,4%; hóa chất tăng 8,6%... Từ thực tế trên cho thấy, kinh tế Hà Nội trong thời gian tới sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Theo phản ánh của nhiều DN trên địa bàn, bên cạnh Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì cuối năm nay, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cũng sẽ được thành lập, đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn đối với các DN. So với năm 2014, hiện sức mua có cải thiện nhưng cạnh tranh trên thị trường bắt đầu gia tăng.

Xác định để thúc đẩy kinh tế Thủ đô tăng trưởng ổn định, bền vững, từ nay đến hết năm 2015, TP đã đề ra nhiều nhóm giải pháp để tập trung hoàn thành việc thu, chi ngân sách; đảm bảo có hiệu quả, đạt và vượt các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội năm 2015 đã đề ra; tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh; đổi mới, cải cách hành chính trong mọi lĩnh vực, tăng cường tiếp xúc, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của DN…

Riêng về tạo điều kiện cho DN, TP đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, biện pháp hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp các DN từng bước đứng vững và phát triển trong hội nhập. Chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách trọng tâm như hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn tài chính cho DN thông qua chương trình kết nối ngân hàng - DN, công tác tư vấn thuế, trợ giúp thông tin cho DN, hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực. Tập trung mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, giữ vững thị trường truyền thống và đẩy mạnh tìm kiếm, phát triển thị trường xuất khẩu mới; kiểm soát hiệu quả việc nhập khẩu. Đáng chú ý, nhằm kích cầu nội địa, ngày 15/10, Hà Nội đã khai mạc Tháng khuyến mại năm 2015, thu hút gần 500 DN bán lẻ, tổ chức gần 1.000 điểm bán hàng khuyến mại và 6 điểm vàng tại các huyện ngoại thành để kích thích nhu cầu mua sắm của người dân, thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, qua đó tạo đà cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cuối năm.