Kinhtedothi - Chiều 7/8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì Hội nghị đóng góp các giải pháp chống ngập úng cho TP. Tại Hội nghị, các chuyên gia đã chỉ ra những nguyên nhân chính gây ngập úng cho Thủ đô và đề xuất nhiều giải pháp căn cơ, bền vững. Nước mưa không có lối thoát Những năm gần đây, cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ dân cư tăng chóng mặt, tình trạng ngập úng cũng diễn ra thường xuyên với mức độ nghiêm trọng hơn trên địa bàn Hà Nội. Các chuyên gia đã chỉ ra, ngoài các nguyên nhân tự nhiên như: Hà Nội nằm ở vùng trũng; mỗi năm có một mùa mưa kéo dài nhiều tháng, lượng mưa lớn; còn có nhiều nguyên nhân chủ quan nảy sinh trong quá trình phát triển hạ tầng, kinh tế. GS Hong - Yuan Lee, Đại học Đài Loan (Trung Quốc) nhận định, kinh tế - xã hội càng phát triển, Hà Nội càng có sức hút đối với người dân từ khắp nơi, dẫn đến gia tăng nhanh dân số cơ học. Khi dân số tăng, nhu cầu về nhà ở, đường sá, hạ tầng xã hội cũng tăng theo, hình thành xu hướng bê tông hóa mặt đất. “Mùa mưa đến, nước mưa rơi xuống bề mặt bê tông, không có lối thoát, dồn ứ vào hệ thống tiêu thoát vốn nhỏ, lạc hậu dẫn đến úng ngập” - GS Lee phân tích.
Hà Nội hiện có 3 vùng với khoảng 21 lưu vực tiêu thoát nước là: Tả sông Đáy, Hữu sông Đáy và Bắc Hà Nội. Theo đánh giá của các chuyên gia, hệ thống trạm bơm tiêu thoát hiện nay không thể đủ khả năng chống ngập cho Hà Nội. Bên cạnh đó, giữa các khu vực đông dân cư, mạng lưới hồ điều hòa còn thiếu
quá nhiều, không đảm bảo chức năng làm bước đệm cần thiết trong quá trình tiêu thoát nước. Mặt khác, từ năm 1991 đến nay, nhiều điểm trong TP bị sụt lún tới 4cm/năm do thay đổi mực nước ngầm. Tình trạng sụt lún không chỉ khiến Hà Nội ngày càng “trũng” hơn mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống tiêu thoát nước dưới lòng TP. Ngoài ra, Hà Nội hiện vẫn thiếu một hệ thống quan trắc, cảnh báo mưa lũ, thiếu bộ máy chuyên trách ứng phó với các tình huống thiên tai. Thực tế này khiến TP luôn rơi vào thế bị động trước những diễn biến thất thường của khí hậu. Cần hệ thống tiêu thoát hiện đại Các chuyên gia của Việt Nam, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia tham dự Hội nghị đều thống nhất quan điểm Hà Nội cần một hệ thống tiêu thoát nước chặt chẽ, hiện đại, được vận hành bài bản để đủ khả năng chống ngập úng lâu dài. Trong đó, tập trung vào 4 giải pháp chính: Lắp đặt hệ thống quan trắc, cảnh báo hiện đại; xây dựng các hầm trữ nước mưa; nâng cao khả năng bơm tiêu thoát và xây dựng đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp, vận hành một cách quy chuẩn, khoa học hệ thống chống ngập của toàn TP. Hiện, các TP phát triển trên thế giới đã đạt tiêu chuẩn diện tích thoát nước 80m/ha (mỗi héc ta đất phải có 80m bề mặt có khả năng tiêu thoát nước mưa), trong khi Hà Nội mới đạt 40m/ha. Để mở rộng diện tích tiêu thoát trong một TP đang có xu hướng bê tông hóa dày đặc như Hà Nội hiện nay, các chuyên gia đề xuất xây dựng hệ thống hầm ngầm trữ nước trên mọi khu vực có thể như: Sân bóng, bãi đỗ xe, sân trường, sân bệnh viện… Bên cạnh đó còn có thể xây dựng các hầm chứa nhỏ kết hợp trồng cây, hoa dưới các dải phân cách trên đường sá hoặc vỉa hè. Dự kiến, hệ thống hầm chứa này có thể đáp ứng thu giữ tạm thời khoảng 30% lượng nước mưa rồi thông qua các cống lọc, bơm từ từ ra sông, hồ, giảm thiểu áp lực cho việc tiêu thoát, hạn chế ngập úng. Một số chuyên gia Nhật Bản còn đề xuất việc sử dụng các xe bơm lưu động để ứng phó với những tình huống khẩn cấp. Quan trọng hơn nữa là Hà Nội cần một mạng lưới quan trắc khí hậu, mô phỏng đường đi, áp lực của mưa lũ để đưa ra những cảnh báo kịp thời và có biện pháp ứng phó thích hợp. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đề xuất UBND TP Hà Nội thành lập một trung tâm chỉ huy chống ngập với lực lượng nhân sự trình độ cao, chuyên trách ứng phó với các tình huống úng ngập.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Hội nghị đóng góp các giải pháp chống ngập úng cho TP Hà Nội. Ảnh: Anh Quý |
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cảm ơn các chuyên gia đã đóng góp giải pháp vào công tác chống ngập cho Thủ đô Hà Nội; Đồng thời cam kết sẽ trân trọng, vận dụng linh hoạt những ý kiến khoa học này vào thực tế. |