Hà Nội: Tìm kiếm giải pháp cải thiện chỉ số PAPI

Thủy Tiên - Phương Đoàn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sáng 23/7, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - xã hội Hà Nội phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức Hội thảo khoa học Cải thiện, nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của TP Hà Nội.

Chủ trì hội thảo có Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản; Phó Giám đốc phụ trách Sở Nội vụ TP Nguyễn Đình Hoa; Viện trưởng, Viện NCPT Kinh tế - xã hội TP Nguyễn Hồng Sơn. 
Tham dự hội thảo còn có các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện các bộ, ngành T.Ư; đại diện sở, ngành và các quận, huyện trên địa bàn TP.
 Toàn cảnh hội thảo. 
Các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp tỉnh của Hà Nội đều được cải thiện rõ nét
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản cho biết: Qua hơn 30 năm đổi mới, Hà Nội đang dần trở thành một siêu đô thị, phát triển nhanh, năng động của khu vực và thế giới, là điểm đến thân thiện, là nơi kinh doanh thành công của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước bởi những tiềm năng và lợi thế riêng có.
Vị thế của Thủ đô ngày càng được nâng cao trong nước và quốc tế. Năm 2018 vừa qua, các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp tỉnh đều được cải thiện rõ nét: Chỉ số cải cách hành chính (PARINDEX) duy trì xếp hạng cao, đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) 29/63, tăng 16 bậc so với năm 2017; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 9/63, tăng 4 bậc so với năm 2017; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) được cải thiện qua mỗi năm (năm 2016: 58/63; năm 2017: 55/63; năm 2018: 53/63).
 Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản phát biểu khai mạc hội thảo. 
Chính quyền Thành phố đang cùng các thành phần kinh tế, các tổ chức, tầng lớp nhân dân tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô năm 2019: Tiếp tục củng cố, tập trung cơ cấu lại ngân sách nhà nước, đảm bảo hiệu quả bền vững; Tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản;
Tăng cường quản lý quy hoạch, trật tự và xây dựng đô thị; Tiếp tục cải thiện môi trường, môi sinh; Phát triển văn hóa, thể thao; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ; Đảm bảo anh sinh xã hội; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành; Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
“Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của thành phố Hà Nội là vấn đề đang được các cấp, các ngành Thành phố hết sức quan tâm. Vì vậy, Hội thảo có ý nghĩa quan trọng với mục tiêu làm sáng tỏ những vấn đề về mặt lý luận, thực tiễn về Chỉ số PAPI của Hà Nội trong những năm qua; đồng thời đưa ra các quan điểm, ý tưởng, giải pháp nâng cao Chỉ số PAPI của Thành phố trong những năm tiếp theo” – Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Hội thảo cần phân tích sâu các chỉ số thành phần của Chỉ số PAPI để xác định rõ về hiện trạng và tham vấn các giải pháp nâng cao hiệu quả nền hành chính công; góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền, nhằm hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội. Đặc biệt trong bối cảnh Hà Nội sẽ thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị theo hướng xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh, nâng cao tính minh bạch, trong quản lý của chính quyền; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
“Quan điểm của lãnh đạo thành phố Hà Nội là lắng nghe, cầu thị; mong muốn các đại biểu Hội thảo nói thẳng, chỉ rõ tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân và hoan nghênh hiến kế cho Thành phố nhằm cải thiện Chỉ số PAPI trong thời gian tiếp theo” – Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
PAPI tạo động lực để lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức làm việc hiệu quả
Trình bày báo cáo đề dẫn hội thảo, Phó Giám đốc phụ trách Sở Nội vụ TP Nguyễn Đình Hoa cho biết: Hiện nay, trong nhiều phương pháp, công cụ đo lường đánh giá hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, PAPI được xem là công cụ phản ánh tiếng nói chung của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp.
TP Hà Nội xem Chỉ số PAPI là công cụ giúp theo dõi và giám sát hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền TP. Chỉ số PAPI đã và đang tạo động lực để lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức nâng cao hiệu quả quản lý điều hành, quản lý nhà nước, cung ứng dịch vụ công với mục tiêu phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
 Các đại biểu tham gia hội thảo. 
Nội dung của Hội thảo tập trung vào các vấn đề: Giới thiệu về Chỉ số PAPI và quá trình thực hiện tại Việt Nam; thực trạng trên các tỉnh, thành phố trong cả nước. Phân tích, đánh giá kết quả chỉ số PAPI của thành phố Hà Nội giai đoạn 2009 – 2018 trên 8 trục nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường; Quản trị điện tử. Trong đó, tập trung làm rõ những kết quả đạt được, khó khăn, hạn chế, nguyên nhân.
Thực tế triển khai, thực hiện kế hoạch của UBND TP Hà Nội về cải thiện chỉ số PAPI tại các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố. Đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm cải thiện, nâng cao quản trị và hành chính công của thành phố Hà Nội trong thời gian tới.

Cần cung cấp thông tin đến người dân nhiều hơn

Ths Đỗ Thị Thanh Huyền – Chuyên gia phân tích, UNDP Việt Nam cho biết, trong 8 chỉ số nội dung, Hà Nội có 3 chỉ số nội dung cao (theo thang điểm 10), đó là: Thủ tục hành chính công (7,499 điểm); Cung ứng dịch vụ công (6,927 điểm); Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (6,076 điểm). Trong đó, người dân đánh giá cao sự thay đổi tích cực ở các nội dung thành phần như: Kiểm soát tham nhũng trong chính quyền, kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công, công bằng trong tuyển dụng vào nhà nước, quyết tâm chống tham nhũng; y tế công lập.

Tuy nhiên, trong các chỉ số nội dung Hà Nội thuộc nhóm thấp, bà Đỗ Thị Thanh Huyền cũng chỉ rõ những nội dung thành phần và một số chỉ tiêu Hà Nội “kéo” điểm xuống. Trong đó, ở “trách nhiệm giải trình với người dân” (4,61 điểm), người dân đánh giá việc cán bộ giải quyết khúc mắc của họ tỷ lệ ngày càng thấp hơn khi lên chính quyền cấp cao hơn (từ xã, phường lên quận, huyện). Hay trong quá việc “quản trị môi trường” (Hà Nội thuộc nhóm điểm thấp: 3,58 điểm), người dân không đánh giá cao chất lượng nguồn nước.

 Thạc sỹ Đỗ Thị Thanh Huyền – Chuyên gia phân tích, UNDP Việt Nam 

Điều đáng lưu ý, mặc dù nội dung “Quản trị điện tử” của Hà Nội được người dân đánh giá cao (3,23 điểm), nhưng tỷ lệ người cho biết đã lấy đủ thông tin chỉ dẫn và biểu mẫu cần thực hiện từ cổng thông tin điện tử của TP khi làm thủ tục cấp GCNQSDĐ còn thấp (1,32%); trong khi có tới 56,1%% người dân có kết nối Internet tại nhà.

Vì thế, người dân kỳ vọng TP sẽ triển khai mạnh mẽ quản trị điện tử để người dân có thể tương tác trực tuyến với chính quyền khi cần thông tin chính sách hoặc sử dụng dịch vụ công điện tử. Để làm được điều đó, TP cần xây dựng và phát triển chính quyền điện tử ở tất cả các cấp; đồng thời đổi mới trong tư duy cán bộ, công chức trong thời gian tới.

Cải thiện thực chất, không nên chạy theo thành tích

TS Bùi Phương Đình – Viện Xã hội học và Phát triển Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Những kết quả của việc cắt giảm thủ tục hành chính của TP trong thời gian qua là nỗ lực của 20 năm cải cách hành chính. Tuy nhiên, rất khó để có thể để một cơ quan chức năng cụ thể nào có thể chịu trách nhiệm về toàn bộ chỉ số PAPI, bởi đây phải là nỗ lực của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Thành ủy.

Chia sẻ kinh nghiệm một số địa phương, TS Bùi Phương Đình cho rằng việc cải thiện và nâng cao hiệu quả quản trị nên là một nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, kiên trì, liên tục của các cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cơ sở.

TS Bùi Phương Đình nêu khó khăn lớn nhất của Hà Nội trong việc cải thiện Chỉ số PAPI đó là PAPI đánh giá qua dân cư trú nhưng Hà Nội có luồng dân di cư mạnh mẽ. “Tuy nhiên, Hà Nội không nên lo ngại về vị trí, cần tập trung cải thiện thực chất hiệu quả quản trị cấp tỉnh chứ không nên cải thiện chỉ số điểm, bởi như vậy sẽ rất dễ rơi vào bệnh thành tích, mà không có được kết quả thực chất” - ông Bùi Phương Đình khuyến nghị.

Để làm được điều đó, TS Bùi Phương Đình đề xuất nên đưa cán bộ, công chức, viên chức vào một bộ chỉ số đánh giá để tạo cho họ động lực cạnh tranh, phải hướng vào động lực hành động của cán bộ chứ không nên ép chỉ tiêu nhiệm vụ từ trên xuống. Bên cạnh đó, việc rèn luyện kỹ năng làm việc cho cán bộ gắn với thực tiễn và tập trung hướng về cơ sở là vô cùng quan trọng.

 TS Bùi Phương Đình – Viện Xã hội học và Phát triển Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh 

Theo đánh giá thẳng thắn của TS Lê Văn Hoạt – Nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP, Chỉ số PAPI của Hà Nội từ năm 2011 đến nay liên tục bị tụt hạng (từ xếp thứ 20 năm 2011 xuống thứ 56 năm 2018), mặc dù điểm đánh giá các chỉ số nội dung có tăng lên (từ 36,4 năm 2011 lên 42,33 năm 2018). Đáng chú ý là 3 năm gần đây (2016 – 2018) có được cải thiện đôi chút về điểm và bảng xếp hạng. Năm 2018 tăng so với năm 2016 được 8,52 điểm và 2 bậc.

Xem xét thêm về mối quan hệ giữa các chỉ tiêu PCI, PAR Index và PAPI của Hà Nội có thể thấy rằng, điểm và vị trí xếp hạng của Hà Nội đối với chỉ số PAR Index và PCI có biến đổi rất rõ theo chiều hướng tích cực trong những năm qua, trái lại, chỉ số PAPI thì thấp (cả ở điểm số và vị trí xếp hạng) và biến đổi rất chậm, chỉ 3 năm gần đây mới cải thiện hơn. Điều đó có nghĩa là việc điều hành kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh (PCI) và công tác cải cách hành chính (PAR Index) của chính quyền TP Hà Nội được đánh giá ngày càng tốt hơn nhưng hiệu quả quản trị và hành chính công của chính quyền TP (thông qua chỉ số PAPI) thì chưa được người dân ghi nhận và đánh giá tốt.

Chỉ số PAPI hình thành thông qua ý kiến đánh giá của các doanh nghiệp dân doanh, chỉ số PAR Index hình thành thông qua đánh giá của bản thân các cơ quan quản lý nhà nước là chính kết hợp với đánh giá từ bên ngoài thông qua điều tra xã hội học. Còn đối với chỉ số PAPI thì hình thành dựa trên ý kiến đánh giá từ phía người dân với tư cách là “khách hàng”, là “đối tượng phục vụ” của bộ máy hành chính nhà nước.

Vì thế, TS Lê Văn Hoạt kiến nghị cần tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức về Chỉ số PAPI cho cán bộ, công chức các cơ quan thuộc các cấp của chính quyền TP. Cùng với đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với chính quyền cơ sở về chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở, trách nhiệm và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức khi thi hành nhiệm vụ.

Tập trung cải thiện đột phá ở cấp xã, phường

PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ - Nguyên UVTV, Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ, Viện trưởng Viện NCPT kinh tế - xã hội Hà Nội cho biết: Theo nghiên cứu của các nhà khoa học có khoảng 70% số lượt thực hiện thủ tục hành chính của người dân diễn ra ở cấp xã phường; 30% còn lại diễn ra ở cấp quận huyện, mặc dù tỷ lệ số thủ tục hành chính ở cấp quận huyện là lớn hơn nhiều so với cấp phường xã.

Song việc cải thiện chỉ số PAPI nhất là sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; trách nhiệm giải trình với người dân; công khai minh bạch cung ứng dịch vụ công; thủ tục hành chính công,… thì kết quả chủ yếu lại phụ thuộc vào các cơ quan cấp huyện, cấp xã, phường trong đó cấp xã phường đóng vai trò quan trọng.

“Do vậy, cải cách hành chính sắp tới ở Hà Nội cần tập trung đột phá vào cấp xã phường để cải thiện chỉ số PAPI” – ông Nguyễn Chí Mỳ nhấn mạnh.

Chia sẻ kinh nghiệm cải thiện Chỉ số PAPI ở một xã miền núi TP, Chủ tịch UND xã Yên Bình, huyện Thạch Thất Nguyễn Giáp Dần cho biết: Với tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”, trong công tác xây dựng nông thôn mới, xã Yên Bình đã vận động nhân dân đóng góp tư nguyện hàng nghìn ngày công, hàng nghìn mét vuông đất, hiện vật, tiền,… cho việc xây dựng các công trình công cộng.

 Chủ tịch UND xã Yên Bình, huyện Thạch Thất Nguyễn Giáp Dần

Hàng năm vận động nhân dân tham gia các họạt động xã hội, từ thiện như quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo, quỹ khuyến học,… đảm bảo nguyên tắc dân chủ do người dân thực hiện và quyết định mức đóng góp, có sự giám sát của thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư công cộng. Thực hiện đúng quy định việc công khai danh sách hộ nghèo và các chính sách xã hội cho hộ nghèo, ngân sách xã và các khoản thu khác ở khu dân cư, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Xã Yên Bình còn tổ chức các hội nghị đối thoại trực tiếp với nhân dân tại các thôn hàng tháng (mỗi tháng 1 thôn) lãnh đạo UBND xã cùng các cán bộ chuyên môn xuống tận thôn đối thoại, toạ đàm với nhân dân, giải quyết những bức xúc trong nhân dân ngay từ cơ sở.

Chủ tịch UBND xã Yên Bình cho rằng: Nhằm cải thiện và nâng cao các Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công trong tình hình mới, đặc biệt là trong điều kiện công nghệ thông tin ngày càng phát triển như hiện nay việc tuyên truyền cũng như công khai các thủ tục hành chính, các nội dung người dân quan tâm và có quyền được biết, kịp thời tiếp nhận, xử lý giải quyết ý kiến phản ánh, kiến nghị của nhân dân.

Cấp xã cần tạo một trang thông tin điện tử của xã. Đây cũng là một hình thức tăng thêm sự tương tác, kết nối giữa chính quyền với người dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần