Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Trẻ mầm non bắt đầu được làm quen với hoạt động trực tuyến

Bảo Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hà Nội, các trẻ từ 2 tuổi bắt đầu được làm quen với các hoạt động trực tuyến. Các “lớp học” khoảng 20 phút, với phần đa là những lời hỏi thăm và hướng dẫn “ăn uống ngủ nghỉ” từ cô giáo.

Trẻ mầm non được cô giáo hướng dẫn nhận biết các đồ vật xung quanh. Ảnh: Bảo Trọng
"Lớp học" hướng dẫn đeo tất, xỏ giày
Theo cô Nguyễn Thị Lê Huyền - Phó Hiệu trưởng trường Mầm non Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, trên tinh thần hỗ trợ các trẻ bắt đầu tiếp cận với công nghệ cũng như tạo điều kiện thuận lợi để trang bị cho các trẻ kỹ năng cơ bản trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, các hoạt động trực tuyến đã được hình thành.
Tại đây, giáo viên sử dụng các phần mềm hay mạng xã hội để tạo dựng nhóm trao đổi giữa các giáo viên, học sinh, phụ huynh, với thông tin chủ yếu là chia sẻ, nói chuyện hỏi thăm những sinh hoạt giản đơn.
"Giáo viên sẽ đặt các câu hỏi tới các trẻ như hôm nay các con làm gì, các con biết gấp quần áo chưa, hay các con ngủ có ngon không, có ngoan không... với mục đích chủ yếu giữ nhịp thông tin, giao lưu giữa nhà trường và học sinh cũng như tạo không khí học tập cho thầy và trò" - cô Nguyễn Thị Lê Huyền cho biết.
Cũng theo cô Huyền, ngoài các lời hỏi thăm, giáo viên chủ động tạo dựng các video hướng dẫn học sinh các tập tập thể dục buổi sáng, các tư thế đi đứng, ngồi hay đơn giản là phương pháp đeo tất, xỏ giày, rửa tay như nào cho đúng, cho nhanh.
Bắt đầu giúp trẻ làm quen những chữ cái đầu tiên
Liên quan đến hoạt động trực tuyến với trẻ mầm non, cô Nguyễn Thúy Thuận - Hiệu trưởng trường Mầm non Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội cho biết, ngoài các cuộc trò chuyện, trong quá trình giao lưu giữa cô và trò, giáo viên sẽ khéo léo hướng dẫn các trẻ tập làm quen dần những chữ cái đầu tiên và nhận biết các chữ số từ 1 đến 10.
Theo cô Thuận, trước khi triển khai các hoạt động này, giáo viên được tập huấn các kỹ năng sử dụng công nghệ, đan xen giữa nói chuyện với hướng dẫn các trẻ nâng cao sức khoẻ để phòng, chống dịch. Ngoài ra, với các lớp trẻ lớn, giáo viên sẽ lồng ghép kỹ năng "tiền tiểu học" bằng việc thiết kế các video hay nội dung buổi nói chuyện gần gũi, giản tiện, giúp các con đón nhận tự nhiên.
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh nắm bắt được tâm lý, thói quen, sở thích và đủ chất dinh dưỡng cần thiết, theo Phó Hiệu trưởng trường Mầm non Mai Dịch, giáo viên sẽ gửi thực đơn hằng ngày của học sinh khi được chăm sóc ở trường cho bố mẹ để các trẻ không bị gián đoạn dinh dưỡng.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Phạm Ngọc Anh - Trưởng Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy, TP Hà Nội cho rằng, sau khi triển khai, các hoạt động trực tuyến cho trẻ mầm non đã nhận được nhiều tín hiệu tích cực.
"Nếu trước kia, phụ huynh thường chỉ đến trường khi đưa, đón con, thì nay, nhiều phụ huynh hăng say quay clip các con tự gấp quần áo, vẽ tranh, ăn, ngủ ngoan gửi tới giáo viên, giáo viên phổ biến, biểu dương tại các buổi nói chuyện. Từ đó, tạo ra các hiệu ứng tích cực cho các trẻ" - ông Ngọc Anh nói thêm.