Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội triển khai quy tắc ứng xử như thế nào?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau gần 2 năm nghiên cứu, xây dựng, dựa trên hàng ngàn tài liệu thu thập từ các đầu...

Kinhtedothi - Sau gần 2 năm nghiên cứu, xây dựng, dựa trên hàng ngàn tài liệu thu thập từ các đầu sách, luận văn tiến sĩ, các phiếu thăm dò ý kiến và hành vi ứng xử của người Hà Nội, cuối tháng 10/2014, Sở VHTT&DL đã chính thức hoàn thành bản Dự thảo đầu tiên về Quy tắc ứng xử (QTƯX) của người Hà Nội để báo cáo UBND TP và các sở, ngành. Trong khi chờ quyết định phê duyệt chính thức từ HĐND TP, Hà Nội cũng đang lên các phương án triển khai vào đời sống.

Dễ hiểu, không đánh đố

Đề án "Xây dựng bộ quy tắc ứng xử nhằm xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" được áp dụng trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, trường học, bệnh viện, DN, khu dân cư, nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội. Qua rất nhiều kỳ hội thảo, hội nghị lấy ý kiến đại biểu, dự thảo đề án vẫn được đại biểu bày tỏ ý kiến không đồng tình, yêu cầu rút bớt những ngôn từ khó hiểu, trùng lặp, rườm rà. Thế mới có chuyện, nếu dựa theo hệ thống QTƯX trước đây thì rất nhiều người "hoa mắt" với một hệ thống quy tắc dài dằng dặc. Chẳng hạn như với trường học, có 5 chuẩn mực ứng xử tối thiểu. Nếu là thành viên ban giám hiệu, có thêm 8 quy tắc ứng xử cụ thể, con số này với giáo viên là 11, với học sinh có thêm 11 quy tắc nữa. Nhưng vấn đề là, dù làm lãnh đạo nhà trường, giáo viên hay học sinh, cũng không ai chỉ sinh hoạt trong môi trường sư phạm. Những con người này, khi sống trong cộng đồng dân cư sẽ phải học thêm 8 chuẩn mực tối thiểu, 7 quy tắc cụ thể; khi ra nơi công cộng như bến xe, công viên... sẽ phải nhớ thêm 8 chuẩn mực tối thiểu, 9 quy tắc cụ thể. Tất nhiên, nếu đến bệnh viện, đến các cơ quan hành chính, mỗi người dân lại phải học thuộc hàng chục quy tắc đi kèm khác, kể cả đó là học sinh tiểu học.

 
Nhiều người vẫn băn khoăn về phương án triển khai Quy tắc ứng xử trong trường học. Ảnh: Phạm Hùng
Nhiều người vẫn băn khoăn về phương án triển khai Quy tắc ứng xử trong trường học. Ảnh: Phạm Hùng
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Khắc Lợi - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội: "Đến nay dự thảo mới nhất về đề án QTƯX trình UBND TP và các sở, ngành xem xét đã có sự thay đổi. Dự thảo đã gộp và đưa ra tiêu chí chung về ứng xử cho các nhóm khách thể (cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện, DN, cộng đồng dân cư và nơi công cộng)".

Sau khi nghe bản soạn thảo mới nhất về dự thảo đề án, các sở, ngành không còn băn khoăn nhiều đến vấn đề khối lượng khái niệm lớn của QTƯX như trong các dự thảo trước đây. Bởi vì, trong mỗi môi trường khách thể, mỗi người Hà Nội đã có quy tắc chung cho mình. "Những quy tắc này được đúc kết, chắt lọc từ chính yếu tố văn minh, thanh lịch của người Hà Nội, dễ hiểu, dễ nhớ chứ không đánh đố như nhiều người nghĩ", ông Lợi cho biết thêm. Đặc biệt, dự thảo quy tắc này được xây dựng trên cơ sở hơn 2 năm khảo sát, nghiên cứu, thăm dò ý kiến của các chuyên gia. Khối tài liệu của Ban soạn thảo QTƯX tham khảo không chỉ nằm ở quy tắc đã được lập tại các TP trên thế giới, mà ở chính hơn 6.000 lá phiếu trưng cầu ý kiến của các đối tượng thuộc 6 nhóm khách thể trong đề án. Các ý kiến đều đưa ra một mẫu số chung cho tình trạng xuống cấp của ứng xử văn hóa và cần phải chấn chỉnh.

Triển khai thí điểm

Khoảng đầu tháng 12/2014, đề án "Xây dựng bộ QTƯX nhằm xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" sẽ được trình HĐND để xem xét và thông qua. Nếu đề án này được thông qua theo bản dự thảo hiện nay, thì dự kiến từ đầu năm 2015, bộ QTƯX của người Hà Nội sẽ được áp dụng thí điểm tại một vài đơn vị, địa phương. Khoảng tháng 6/2015, Sở VHTT&DL Hà Nội sẽ tiến hành đánh giá và rút kinh nghiệm bước đầu.

Ông Nguyễn Khắc Lợi cho rằng: "Các khái niệm luôn luôn biến động theo sự phát triển của thời cuộc, cho nên những tiêu chí được xây dựng ở thời điểm hiện tại có thể sẽ không còn phù hợp với thực tiễn trong vài năm tới. Xác định rõ như vậy, cho nên Ban soạn thảo đề án không đóng khung khái niệm hay tiêu chí, mà luôn luôn có sự điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế của cuộc sống xã hội".