KTĐT - Người Hà Nội đang náo nức bước vào mùa trẩy hội Xuân Tân Mão. Sau màn trống trận tưng bừng khí phách của Hội Gò Đống Đa hôm mồng 5 tháng Giêng, các lễ hội khác cũng bắt đầu "khai màn". Bên cạnh Lễ hội chùa Hương - lễ hội lớn nhất và dài ngày nhất Việt Nam, trong ngày hôm qua (mồng 6 tháng Giêng), nhiều lễ hội đắc sắc cũnglinh đình cờ quạt, trống lọng "gọi mời" khách thập phương đến trẩy hội như hội Đền Sóc thờ Thánh Gióng - lễ hội đầu tiên sau khi Hội Gióng được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại, rồi hội đền Cổ Loa, hội đền Hai Bà Trưng…
1,5 triệu lượt người tới trẩy hội chùa Hương
4 ngày trước buổi khai hội chính thức, dòng người hành hương đã nườm nượp kéo về chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Cách bến Yến hàng cây số, các phương tiện di chuyển chậm chạp. Ngày cao điểm là mồng 2 Tết, chùa Hương đã đón khoảng 7 vạn du khách. Ngày mồng 3, mồng 4 và mồng 5 Tết mỗi ngày có khoảng hơn 3 vạn lượt người chọn thắng cảnh sơn thủy hữu tình này làm địa chỉ du xuân.Năm nay, Ban tổ chức dự kiến sẽ đón lượng tương đương, khoảng 1,5 triệu lượt người tới trẩy hội chùa Hương.
Đúng 9 giờ sáng hôm qua 8/2 (mồng 6 tháng Giêng), chùa Hương khai hội với sự tham gia của hàng trăm nghìn du khách. Năm nay, trước ngày khai hội, Ban tổ chức đã quán triệt nhiều kỷ cương trong công tác tổ chức từ công tác bán hàng, "cò" khách cho đến việc giá đò đi các tuyến… Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày đầu diễn ra lễ hội, tuy tình trạng lộn xộn có giảm so với năm ngoái, song do lượng người đổ về quá đông nên các tệ nạn vẫn chưa được giải quyết triệt để.Khu di tích "
Hội Gióng đền Sóc và hội Cổ Loa
Từ sáng sớm ngày mùng 6 Tết, trong tiết trời mùa xuân ấm áp khoảng hơn 2 vạn người dân quanh vùng và du khách thập phương đã về chân núi Sóc dự khai mạc Hội Gióng đền Sóc (diễn ra trong 3 ngày 6,7 và 8 tháng Giêng Âm lịch). Tuy không dài ngày, nhưng Lễ hội thu hút đông đảo sự chú ý của du khách. Theo truyền thống, nhân dân 8 thôn thuộc 6 xã quanh khu vực đền Sóc (Tân Minh, Tiên Dược, Phù Linh, Đức Hòa, Xuân Giang, Bắc Phú) làm lễ rước hương hoa, oản phẩm, trầu cau, voi chiến, giò hoa tre, cỏ voi, kiệu Tướng, kiệu cầu Húc… thể hiện tình cảm biết ơn trân trọng với Thánh Gióng và niềm tự hào về truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm, tinh thần thượng võ của dân tộc. Điều đặc biệt nhất ở lễ hội giàu chất huyền thoại này là lễ dâng giò hoa tre. Đó là những thanh tre cật vót mỏng, đầu tuốt bông nhuộm phẩm màu, tượng trưng cho roi ngựa của Thánh Gióng. Hoa tre được người Phù Linh dâng lễ ở đền Thượng, rước xuống đền Hạ rồi mới phát cho bà con và du khách làm lộc may mắn đầu xuân. Ngoài các đoàn rước dâng lễ phẩm, lễ vật, tại lễ hội còn có nhiều hoạt động văn hoá thể thao đa dạng phục vụ khách hành hương và nhân dân địa phương như các trò chơi thi đu, đập niêu đất, bắt vịt, cờ bỏi; hát quan họ, ca múa tổng hợp; giải bóng chuyền hơi, biểu diễn võ cổ truyền dân tộc…
Tới dự khai Hội Gióng đền Sóc có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Thị Thanh Hằng, bà Catherin Muller-Trưởng đại diện UNESCO thế giới tại Việt Nam. Được tận mắt chứng kiến lễ rước, dâng hương tưởng nhớ Đức Phù Đổng Thiên Vương và tham quan khu di tích tại khu vực núi Sóc, bà Catherin Muller đã đánh giá cao tính cộng đồng của Hội Gióng đền Sóc và cảm thấy rất mừng khi thấy một lễ hội lớn như thế này mặc dù đã trải qua rất nhiều năm tháng nhưng vẫn được cộng đồng người dân bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội. Điều đáng ghi nhận nhất trong lễ hội năm nay là sự quan tâm đặc biệt của công chúng và thể hiện ró nét trong lượng khách đổ về lễ hội, trong cái cách mà người ta trẩy hội vàthắp hương cúi lạy Đức Thánh Gióng.
Hôm qua, hội Cổ Loa cũng đã tưng bừng bước vào hội. Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Thị Thanh Hằng đã tới dự lễ dâng hương tưởng nhớ vua An Dương Vương tại đền Thượng. Đây là lễ hội truyền thống đầu xuân lớn nhất trên địa bàn huyện Đông Anh, là dịp để nhân dân trong vùng vui xuân, tưởng nhớ công ơn các bậc hiền nhân có công dựng nước và giữ nước, với truyền thuyết về nỏ thần đánh giặc, với câu chuyện tình bi tráng còn lưu truyền mãi đến muôn đời.
Theo truyền thống, mồng 4, 5 tháng Giêng, người dân khu vực xã Cổ Loa và vùng lân cận đã tham gia lễ tế "bát xã" (gồm: Cổ Loa, Thư Cưu, Mạch Tràng, Cầu Cả, Sằn, Đài Bi, Văn Thượng, Ngoại Sát), rước kiệu, bài vị, hương án, hướng về đền Thượng - trung tâm của Loa Thành, dâng hương tưởng nhớ vua An Dương Vương, vị vua có công xây thành, đắp lũy chống giặc ngoại xâm. Ông Nguyễn Quốc Trung, Chủ tịch UBND xã Cổ Loa, Trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết: Ngay từ sáng mồng 2 Tết, Ban tế lễ, bảo vệ cổ vật của lễ hội Cổ Loa năm 2011 đã họp tiến cử quan đám. Việc chuẩn bị cho chương trình được tiến hành từ tháng Chạp năm Canh Dần.
Tại lễ hội, huyện Đông Anh đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa thể thao và các trò chơi dân gian, tạo điều kiện cho người dân địa phương và du khách tham gia vui xuân, như vật dân tộc, bóng chuyền, thi đấu cờ người, hát quan họ trên Giếng Ngọc, hát tuồng của xã Cổ Loa và Xuân Nộn, rối nước Đào Thục và các trò chơi dân gian như chọi gà, thi đu, ném còn, kéo lửa thổi cơm thi…