Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng đạt trên 90%

Anh Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là thông tin tại cuộc họp Ban chỉ đạo CNTT TP Hà Nội chiều 16/5, dưới chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban Chỉ đạo CNTT TP, nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 4 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2017.

Gần 5 triệu lượt người truy cập dịch vụ công
Theo Giám đốc Sở TT&TT Phan Lan Tú, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch UBND TP, việc triển khai và ứng dụng CNTT của TP, đạt kết quả tích cực. Cụ thể, báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT và truyền thông Việt Nam năm 2016 (ICT Index), Hà Nội xếp thứ 2/63 tỉnh, TP về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT (tăng 1 bậc so với năm 2015); và đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của các tỉnh, TP trực thuộc TƯ năm 2016, Hà Nội nằm trong top đầu về các chỉ số như: Hạ tầng kỹ thuật CNTT, Ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ, Trang/Cổng thông tin điện tử, Số lượng hồ sơ được giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; Cơ chế, chính sách và các quy định cho ứng dụng  CNTT, nguồn nhân lực cho ứng dụng  CNTT.
  Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban Chỉ đạo CNTT TP tại hội nghị

Cũng theo bà Phan Lan Tú, từ ngày 1/3/2017 các cuộc họp TP không sử dụng giấy mời (văn bản giấy), không sử dụng tài liệu giấy từ ngày 1/4/2017. Việc triển khai thí điểm khai thác CSDL dân cư đã được các đơn vị tham gia thực hiện tích cực và đạt kết quả tốt. Tính đến hết tháng 4/2017, hệ thống DVC trực tuyến đã có 4.681 cán bộ được cấp tài khoản tham gia, có gần 5 triệu lượt truy cập, tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng là 82.580 hồ sơ/91.798 hồ sơ (đạt trên 90%). Cùng với đó, các hệ thống thông tin đã xây dựng đạt được quy mô lớn và có hiệu quả với số người tham gia hệ thống nhiều, số lượng người truy cập đông và số lượng hồ sơ được xử lý lớn. Các phần mềm, hệ thống thông tin khác được các đơn vị tiếp tục khai thác, sử dụng hiệu quả để đảm bảo không làm gián đoạn hoạt động điều hành, phục vụ công dân, DN...

Tuy nhiên, hiện còn những hạn chế, như: việc tích hợp, trao đổi thông tin khai sinh giữa hệ thống DVC trực tuyến của TP và phần mềm đăng ký khai sinh của Bộ Tư pháp vẫn đang trong quá trình thực hiện. Do vậy, cán bộ hộ tịch tại các phường vẫn đang cùng một lúc phải sử dụng song song hai phần mềm. Nhận thức của một số đơn vị, cán bộ công chức về việc triển khai ứng dụng CNTT chưa cao, nhân lực CNTT của các sở, ngành, quận, huyện còn thiếu và yếu.

Việc triển khai một số DVC trực tuyến mức độ 3 gặp khó khăn do lượng hồ sơ công dân phải nộp lớn và nhiều tài liệu quá khổ, quá tải. Ngoài ra, tiến độ xây dựng một số ứng dụng dùng chung như một cửa điện tử liên thông 3 cấp, quản lý điều hành tác nghiệp kết nối văn phòng điện tử còn chậm; việc sử dụng máy tính bảng phục vụ công tác điều hành tác nghiệp của một số đồng chí cán bộ lãnh đạo (được TP trang bị đợt 1) chưa thật sự hiệu quả, vẫn còn tình trạng sử dụng văn bản giấy tại các cuộc họp…
Ứng dụng rộng rãi dịch vụ công trên mạng
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định, việc triển khai ứng dụng CNTT và xây dựng chính quyền điện tử của TP là hướng đi đúng, hiệu quả. “Tôi vừa theo đoàn công tác của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, thăm một số địa phương của Trung Quốc về triển khai ứng dụng CNTT cho thấy hướng đi của TP ta là đúng và phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển”, Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung chia sẻ.
 Quang cảnh hội nghị

Tuy nhiên, để đảm bảo mục tiêu trong chương trình CNTT năm 2017 của TP, đòi hỏi các cấp các ngành cần nỗ lực nhiều hơn nữa cả nhận thức và hành động. Đặc biệt là vấn đề bảo mật thông tin. “Vừa qua, nhiều nước trên thế giới, bị tấn công mạng, gây ảnh hướng lớn phát triển kinh tế-xã hội, trong đó chúng ta cũng bị đe dọa”, Chủ tịch UBND TP viện dẫn, đồng thời yêu cầu, ngay từ bây giờ, cần khẩn trương khắc phục các tồn tại trong lĩnh vực CNTT mà Thanh tra Bộ TT&TT đã kết luận vừa qua trước 30/6/2017.
Chủ tịch UBND TP yêu cầu sau cuộc họp này, Giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện cần phối hợp với Sở TT&TT rà soát lại các TTHC đang thực hiện ở đơn vị mình, thống kê các thủ tục có thể chuyển sang được mức 3, 4 chuyển cho Công ty Nhật Cường đưa lên môi trường mạng. “Cần ứng dụng rộng rãi CNTT để giải quyết các DVC liên quan đến đời sống, đưa lên mạng càng nhiều càng tốt đáp ứng nhu cầu của người dân”, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh và gợi mở: các ngành chức năng phối hợp với các địa phương tổ chức thí điểm dịch vụ tra cứu thông tin của người dân có thu phí liên quan đến các lĩnh vực: công chứng, ngân hàng...

Đối với Sở KH&ĐT cần số hóa các dữ liệu về DN trên địa bàn TP; Sở TT&TT thí điểm việc lắp đặt thiết bị thanh toán cho các nhà hàng.., đồng thời phối hợp với Công ty Nhật Cường và các quận, huyện tổ chức tiến hành thí điểm cho người dân đặt trước giờ đến làm thủ tục hành chính qua mạng, nếu hiệu quả sẽ nhân rộng toàn TP.
Chủ tịch cùng yêu cầu Sở TT&TT cần thẩm định lại việc mua sắm trang thiết bị cho cán bộ đảm bảo không lãng phí, đối với các quận huyện có ít DVC mức 3,4, ứng dụng CNTT còn kém cần cân nhắc. Sở TT&TT chủ trì phối hợp với Sở KH&ĐT tham mưu cho TP lưu chọn các nhà đầu tư trong 3 lĩnh vực: Đầu tư triển khai trạm quan trắc không khí; Giao thông thông minh; Xây dựng trung tâm về điều hành CNTT chung của toàn TP.