Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật & Kinh tế ASEAN Lê Văn Hợp: Bổ cập nước là giải pháp đúng trong xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch

Thương Huế thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vấn đề ô nhiễm sông Tô Lịch từ lâu đã làm đau đầu các nhà chức trách. Từ những năm 2005 - 2006, nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT Mai Ái Trực đã đề cập đến 4 giải pháp cơ bản, trong đó có đề nghị bổ cập nước thường xuyên, tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch. Tại Kỳ họp thứ 9 HĐND TP Hà Nội khóa XV đang diễn ra, vấn đề này lại một lần nữa được xới lên, thu hút sự quan tâm của dư luận.

 Sông Tô Lịch sạch hơn sau khi được xử lý ô nhiễm. Ảnh: Thanh Hải
Để hiểu rõ hơn về những giải pháp nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT Mai Ái Trực nêu ra, Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Hợp, nguyên Thư ký Bộ trưởng, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT, hiện là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật & Kinh tế ASEAN.
Từng là Thư ký của nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT Mai Ái Trực, ông có thể cho biết rõ hơn về ý kiến chỉ đạo của nguyên Bộ trưởng trong giải quyết vấn đề ô nhiễm sông Tô Lịch?
- Tôi được phân công làm Thư ký của nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT Mai Ái Trực giai đoạn từ 2005 đến khi Bộ trưởng về nghỉ hưu vào năm 2008. Thời đó, tôi nhớ rất rõ, Bộ trưởng đã đề nghị cần thực hiện 4 giải pháp trọng tâm đối với xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch. Thứ nhất, cần thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt hai bên sông, ngăn chất chải này đổ ra sông. Bởi lẽ đây là nguồn thải chủ yếu gây ô nhiễm sông.
Thứ hai, yêu cầu bổ cập nguồn nước thường xuyên, tạo dòng chảy liên tục cho sông. Nguyên do vì đặc điểm vị trí địa lý và khí hậu của khu vưc sông Tô Lịch vào mùa khô ít nước, thậm chí cạn trơ đáy, chỉ có nước thải sinh hoạt thải ra sông nên nước thải không được pha loãng, càng ô nhiễm nặng.
Thứ ba, tăng cường nghiên cứu, áp dụng công nghệ xử lý ô nhiễm nước sông. Ngày đó, công nghệ xử lý ô nhiễm còn manh mún và lạc hậu, song Bộ trưởng Mai Ái Trực nhấn mạnh việc áp dụng công nghệ trong xử lý ô nhiễm là hết sức cần thiết.
Thứ tư, Bộ trưởng yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và ý thức được hành vi của mình trong bảo vệ môi trường. Bộ trưởng Mai Ái Trực chỉ rõ, ô nhiễm môi trường sông Tô Lịch là do con người gây nên, ví như hành động đơn giản tiện tay vứt rác bừa bãi xuống sông hay việc xả thải sinh hoạt trực tiếp không qua xử lý ra sông, bể phốt công trình vệ sinh của gia đình tiết kiệm chi phí nên không xây dựng đúng kỹ thuật, nguồn thải xả luôn ra cống, cống xả trực tiếp xuống sông…
Vậy, ông đánh giá như thế nào về những giải pháp mà nguyên Bộ trưởng Mai Ái Trực đề ra sau 15 năm?
- Đó là những giải pháp trọng yếu cho vấn đề xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch nên nó có ý nghĩa xuyên suốt đến bây giờ. Tôi cho rằng, Hà Nội đang thực hiện đúng các bước cho vấn đề xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch. Từ việc triển khai xây dựng dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá với công suất 270.000m3/ngày, đến thử nghiệm thí điểm xử lý, làm sạch 300m sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano – Bioreactor của Nhật Bản hay đề xuất thực hiện dự án "Đầu tư xây dựng trạm bơm bổ cập nước hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch”.
Trong đó, dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá hoàn thành sẽ gom toàn bộ nước thải sinh hoạt, dọc hai bên sông Tô Lịch vào hệ thống để xử lý, tức là ngăn được nguồn thải chính làm ô nhiễm sông Tô Lịch. Việc thí điểm xử lý, làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano – Bioreactor đang có hiệu ứng tốt… Các giải pháp đã có và Hà Nội đang hành động nhưng cần hành động quyết liệt hơn, chứ không nên manh mún, vừa tốn kém mà hiệu quả lại không cao.
Nước Hồ Tây xả vào sông Tô Lịch qua cống đầu đường Hoàng Quốc Việt. Ảnh: Công Trình
Ông có thể nói rõ hơn về việc Hà Nội cần hành động quyết liệt hơn được không?
- Quyết liệt trong các giải pháp đang triển khai. Ví như việc triển khai Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Dự án này cần chốt thời gian phải hoàn thành, phải đốc thúc tiến độ, công khai thông tin tiến độ để Nhân dân yên tâm, chứ không phải khởi công rồi để đấy. Hay như việc bổ cập nước cho sông Tô Lịch cũng thế.
Qua báo chí tôi được biết, hiện nay việc thực hiện bơm bổ cập nước cho sông chưa phải thường xuyên nên khi bổ cập thì nước trong, ngừng bổ cập một tuần nước lại như cũ. Còn đối với công tác tuyên truyền về môi trường, phải thực hiện liên tục, thường xuyên bằng nhiều phương pháp, thông qua các phương tiện truyền thông báo chí, các hội, các tổ chức, đến từng tổ dân phố…
Xin cảm ơn ông!

Xả hơn 1 triệu mét khối nước hồ Tây vào sông Tô Lịch

Từ 9 giờ 30 phút ngày 9/7, Công ty TNHH MTVT Thoát nước Hà Nội đã bắt xả nước hồ Tây để bổ cập cho sông Tô Lịch. Thời gian mở cửa xả dự kiến kéo dài khoảng 2 ngày. Phó Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội Phan Hoài Minh cho biết, mực nước của hồ Tây (rộng khoảng 500ha) đang cao hơn quy định khoảng 25cm nên Công ty dự kiến xả hơn 1 triệu mét khối nước ra sông Tô Lịch để đưa mực nước hồ Tây xuống mức bình thường. "Với hơn 1 triệu mét khối nước tiếp nhận từ hồ Tây, nước trên sông Tô Lịch được tạo dòng chảy liên tục trong vòng 2 ngày, giảm ô nhiễm trong thời gian tới" - ông Minh nhận xét.

Hiện TP Hà Nội đang thí điểm nhiều biện pháp để hồi sinh sông Tô Lịch, trong đó có việc áp dụng công nghệ của Nhật và Đức. Bước đầu, các công nghệ này đã đưa ra kết quả tích cực, trong đó nước đã giảm mùi hôi và lượng ô xy trong nước cũng cao hơn… Ngoài ra, Công ty Thoát nước Hà Nội đang trình TP phương án bổ cập nước từ sông Hồng vào hồ Tây. Từ nguồn nước được bổ cập đó, Công ty Thoát nước Hà Nội sẽ cho xả trực tiếp từ hồ Tây ra sông Tô Lịch. Đây là một trong những phương án được các chuyên gia đánh giá cao trong việc hồi sinh sông Tô Lịch. (Vân Nhi)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần