Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hạ tầng đi trước: Bí quyết giúp Viettel thành công

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Kiên trì và thành công với triết lý kinh doanh "hạ tầng đi trước, kinh doanh theo sau", Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) là doanh nghiệp đầu tiên thực hiện mở rộng "biên giới" hạ tầng viễn thông của Việt Nam sang các châu lục xa xôi.

Tự nhận "khó khăn thì mới đến lượt mình", những nhà lãnh đạo của Viettel đã "vác chuông đi đánh xứ người" trong bối cảnh ít người dám nghĩ, dám làm vì thiếu vốn, thiếu cả kinh nghiệm. Thậm chí để "chuẩn hóa" hoạt động, năm 2007, Viettel còn lập nên một công ty chuyên lo chuyện đầu tư ra nước ngoài là Công ty CP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Đã có rất nhiều dấu mốc ghi nhận sự thành công của Viettel Global tại các thị trường ngoài lãnh thổ.

Ngày 15/5/2012, Viettel công bố chính thức kinh doanh tại Mozambique sau hơn 1 năm hoạt động tại thị trường này thông qua sự hiện diện của Công ty Movitel. Hiện Movitel đã sở hữu mạng lưới lớn nhất, có vùng phủ rộng và sâu nhất tại Mozambique với 1.800 trạm phát sóng (2G&3G) phủ 100% quận, huyện và đường quốc lộ, đóng góp hơn 50% hạ tầng mạng di động của toàn Mozambique. Viettel cũng đã dựng nên một hạ tầng viễn thông bền vững cho quốc gia châu Phi này với 12.600km cáp quang, đóng góp 70% hạ tầng cáp quang của toàn Mozambique. "Movitel đã góp phần đưa Mozambique trở thành một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất về hạ tầng viễn thông và trở thành 1 trong 3 quốc gia có hạ tầng cáp quang lớn nhất khu vực sau Nam Phi và Nigeria" - Bộ trưởng Giao thông Liên lạc Mozambique Paulo Zucula đánh giá.

Như vậy, tính đến thời điểm này, Viettel đã kinh doanh tại 5 nước ở 3 châu lục là châu Á (Việt Nam, Lào, Campuchia), châu Mỹ (Haiti) và châu Phi (Mozambique). Tại các quốc gia mà Viettel đã đầu tư, Chính phủ sở tại đều đánh giá cao nỗ lực tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động là người dân nông thôn nghèo thông qua việc xã hội hóa bán hàng; trực tiếp đóng góp 1 - 2% vào tổng GDP và đóng góp 50 - 80% tổng hạ tầng viễn thông của quốc gia đó; góp phần đưa mật độ hạ tầng tại các quốc gia này tăng lên gấp 3 - 3,5 lần so với mức trung bình của thế giới. Với quan điểm "coi viễn thông là hàng hoá thông thường chứ không phải là dịch vụ sang trọng" nên tại các quốc gia mà Viettel có mặt, chi phí sử dụng dịch vụ viễn thông được giảm xuống mức phù hợp với thu nhập của người dân, đưa viễn thông tới 95% dân số, kể cả ở các vùng nông thôn, vùng sâu và xa. 

Doanh thu của Viettel, năm 2011, đạt gần 6 tỷ USD với 60 triệu thuê bao đang hoạt động trên toàn cầu. Các mạng viễn thông mà Viettel đầu tư và kinh doanh chỉ sau 2 năm đều bắt đầu có lãi và trở thành các công ty lớn ở nước sở tại. Thông thường sau 3 năm kinh doanh, các liên doanh của Viettel ở nước ngoài bắt đầu chuyển lợi nhuận về nước. Và năm 2011, các doanh nghiệp này đã chuyển về nước đạt hơn 40 triệu USD, lớn hơn số tiền mà Viettel đầu tư vào thị trường Campuchia. Dự kiến lợi nhuận năm 2012 chuyển về nước sẽ đạt hơn 80 triệu USD.

Năm 2012, đánh dấu chiến lược đầu tư ra nước ngoài của Viettel vượt qua giai đoạn "thử nghiệm, tìm đường", bắt đầu tăng tốc nhằm đạt mục tiêu hình thành thị trường nước ngoài 500 triệu dân vào năm 2015. Tập đoàn này đang có những chiến lược phát triển nguồn nhân lực ở các vị trí quản lý cấp cao từ lĩnh vực kỹ thuật, kinh doanh, nhân sự, tài chính. Những nhân sự mới này sẽ không chỉ bổ sung cho các vị trí làm việc tại Việt Nam mà còn mở rộng ra các thị trường nước ngoài. Đây cũng là một trong những chiến lược quan trọng trong mục tiêu trở thành tập đoàn viễn thông toàn cầu của Viettel.