Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hạ tầng phải theo sát nhà ở

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bộ Xây dựng đang tiếp tục lấy ý kiến đóng góp về dự thảo "Nghị định quản lý đầu tư phát triển đô thị". Trong đó, vấn đề hạ tầng đã rất được quan tâm với nhiều quy định mang tính ràng buộc nhằm hóa giải vấn đề tồn tại hiện nay của các khu đô thị đó là hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng xã hội luôn thiếu và chậm.

Thực trạng đáng buồn…
 

Thực tế cho thấy, những quy định mang tính ràng buộc để các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc việc đầu tư hạ tầng, bao gồm cả hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, là rất cần thiết. Qua kiểm tra tại 18 dự án, khu đô thị mới trên địa bàn Hà Nội hồi tháng 4/2011, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS đã chỉ ra rằng không ít dự án chưa hoàn chỉnh việc đầu tư xây dựng đồng bộ các hạng mục hạ tầng dù tiến độ dự án đã bị chậm nhiều so với quyết định phê duyệt. Đơn cử như Khu đô thị mới Mỗ Lao, Khu đô thị Quang Minh 1 và Quang Minh 2. Có dự án đã bàn giao nhà và người dân đã về ở nhưng vẫn chưa hoàn thành việc đầu tư xây dựng các hạng mục hạ tầng, chưa cấp điện, nước đúng như dự án đầu tư được phê duyệt và thiếu đồng bộ. Một số dự án đã hoàn thành phần lớn các hạng mục nhà ở, dân cư đã vào ở nhiều năm mà vẫn chưa có trường học, bệnh viện và các tiện ích công cộng.

Mới đây, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội cũng đã tiến hành kế hoạch giám sát về quy hoạch các công trình hạ tầng xã hội tại một số khu đô thị mới, khu tái định cư trên địa bàn Hà Nội. Bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội nhận xét: "Điều ngạc nhiên là có khu đô thị trong quy hoạch chưa tính đến công trình hạ tầng xã hội, chính quyền cơ sở. Quy hoạch cũng chưa tính đến sự ảnh hưởng của các khu đô thị mới với các khu vực lân cận. Phần lớn khu đô thị chưa dành diện tích để làm nhà hội họp, sinh hoạt cộng đồng trong các khu cao tầng. Hạ tầng xã hội nhìn chung là vẫn mất cân đối, quy mô còn rất nhỏ so với quy mô dân số".

Mọi trường hợp đều phải đảm bảo tiến độ

Điểm nổi bật, đáng lưu ý của Dự thảo Nghị định quản lý đầu tư phát triển đô thị chính là việc đưa ra các quy định nhằm hóa giải những vấn đề tồn tại trong đầu tư hạ tầng. Theo đó, chủ đầu tư dự án phải đảm bảo năng lực tài chính phù hợp với dự án, có vốn sở hữu đưa vào dự án ít nhất là 30% tổng mức đầu tư xây dựng hạ tầng của dự án và có văn bản xác nhận của ngân hàng về việc bảo đảm cấp đủ vốn cho việc thực hiện dự án. Đồng thời phải đưa hạ tầng vào sử dụng ngay sau khi đưa vào sử dụng công trình nhà ở.

Về hạ tầng xã hội, đối với trường hợp chính quyền địa phương trực tiếp đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, đơn vị được Nhà nước giao làm chủ đầu tư xây dựng công trình phải thực hiện đầu tư xây dựng các công trình này theo đúng tiến độ của dự án đã được phê duyệt và bảo đảm sự thống nhất trong tổng thể dự án như là chủ đầu tư thứ cấp. Trong trường hợp quá thời hạn ghi trong văn bản chấp thuận đầu tư mà Nhà nước chưa thực hiện đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội thì chủ đầu tư dự án được quyền đề nghị Nhà nước cho phép bỏ vốn thực hiện đầu tư xây dựng các công trình này và được khấu trừ nghĩa vụ tài chính phải nộp cho Nhà nước hoặc được công nhận quyền sở hữu đối với công trình này. Nếu chủ đầu tư dự án trực tiếp đầu tư xây dựng, phải thực hiện đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội cùng với tiến độ của công trình nhà ở và phải đưa vào sử dụng ngay sau khi các công trình nhà ở được đưa vào sử dụng.

Còn quá nhiều chủ đầu tư chỉ mải bán nhà để thu lợi nhuận mà không lo đầu tư hạ tầng kỹ thuật, xã hội cho người dân đến sinh sống. Vì thế cần phải có cách làm khác, cần thay đổi tư duy của các chủ đầu tư.

Ông Nguyễn Trần Nam Thứ trưởng Bộ Xây dựng