Trước đó, báo Kinh tế và Đô thị đăng loạt bài “Hà Tĩnh: nhức nhối nạn săn bắt chim di cư mùa mưa bão (ngày 10/9); Hà Tĩnh: săn bắt chim di cư, nguy cơ xâm hại rừng phòng hộ ven biển (11/9)” và một số tin, bài liên quan.
Nội dung phản ánh tình trạng săn bắt chim di cư diễn ra tràn lan, nhất là tại các vùng ven biển, gây nguy cơ tận diệt các loài chim hoang dã, di cư mùa mưa bão, ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường và tiềm ẩn nguy cơ xâm hại rừng phòng hộ ven biển.
Sau khi báo đăng, chính quyền các địa phương, lực lượng kiểm lâm, công an và các cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra, tháo dỡ, tiêu hủy trên 46.000 phương tiện, dụng cụ bẫy bắt chim di cư trái phép.
Ngày 25/9, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành văn bản số 5691 /UBND-NL4 về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ chim hoang dã, chim di cư với nội dung: Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các phòng, ngành chức năng, UBND các xã, phường, thị, trấn, Ban Quản lý các chợ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm về bảo vệ các loài động vật hoang dã, chim di cư đến các tầng lớp Nhân dân.
Tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trên địa bàn không tham gia săn, bắt, mua bán, vận chuyển, giết mổ, sử dụng, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo các loài động vật hoang dã, chim di cư trái pháp luật; không tiếp khách, liên hoan… có sử dụng thực phẩm được chế biến từ chim hoang dã, di cư.
Thành lập các đoàn liên nghành kiểm tra, truy quét các địa bàn thường xảy ra tình trạng săn, bắt động vật hoang dã, chim di cư; các khách sạn, nhà hàng, quán ăn có kinh doanh dịch vụ ăn uống, các chợ, điểm mua, bán động vật hoang dã, chim di cư trên địa bàn. Từ đó phát hiện, ngăn chặn, gỡ bỏ các công cụ, dụng cụ, thiết bị săn, bẫy, bắt chim hoang dã, di cư và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật…
Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường tuần tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ chim hoang dã, di cư; theo dõi, kiểm tra việc tổ chức thực hiện tại các địa phương, đơn vị, kịp thời báo cáo UBND tỉnh những địa phương, đơn vị không thực hiện nghiêm túc, để xảy ra tình trạng săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, chế biến... trái pháp luật chim hoang dã, di cư trên địa bàn.
Được biết, ngày 27/9 Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh đã ban hành văn bản số 767 /KL-TTPC về việc tập trung thực hiện các nội dung chỉ đạo của cấp trên về công tác quản lý bảo vệ chim hoang dã, chim di cư. Trong đó chú trọng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phát hiện, ngăn chặn, gỡ bỏ các công cụ, thiết bị săn, bẫy, bắt chim hoang dã, di cư và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.