Vào dịp cận Tết, nhiều hộ gia đình, nhất là ở khu vực nông thôn thường hay tự giết mổ gia súc tại nhà riêng để chia nhau sử dụng. Hoạt động giết mổ “tự phát” này tuy thuận lợi cho người tiêu dùng nhưng sẽ ảnh hưởng đến môi trường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm và lây lan dịch bệnh.
Gần đây trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, chính quyền các cấp, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử phạt nhiều trường hợp tổ chức giết mổ động vật tại địa điểm không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Mặc dù vậy, tình trạng giết mổ “chui” vẫn diễn ra, gây không ít khó khăn, thách thức cho các cấp có thẩm quyền trong công tác kiểm soát giết mổ.
Tiếp xúc với phóng viên, nhiều người dân cho biết, dịp Tết các gia đình trong xóm thường chung nhau mua lợn, trâu, bò… tự làm thịt rồi chia nhau. Dù biết việc tự giết mổ sẽ không đảm bảo các quy định về vệ sinh môi trường, thú y, an toàn thực phẩm, nhưng đây là thói quen hàng năm nên mọi người vẫn tổ chức giết mổ gia súc tại nhà riêng rồi chia nhau sử dụng.
Tự tổ chức giết mổ gia súc, gia cầm tại nhà, không có sự kiểm tra, giám sát của cơ quan thú y nghĩa là sản phẩm động vật rất khó đảm bảo an toàn, chất lượng, đôi khi ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đó là chưa kể đến việc giết mổ “tự phát” còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh trên đàn vật nuôi như bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục trên trâu bò, dịch tả lợn châu Phi, dịch lợn tai xanh…
Không chỉ tự giết mổ gia súc, gia cầm tại nhà để sử dụng mà dịp cận Tết nhiều người còn lên các trang mạng xã hội công khai mời chào, rao bán sản phẩm động vật với những cam kết về chất lượng, giá cả, dịch vụ cung ứng…Điều đó cho thấy vấn đề kiểm soát giết mổ, an toàn vệ sinh thực phẩm đang bị một bộ phận không ít người dân xem nhẹ.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh Nguyễn Văn Chung cho biết, bình quân mỗi ngày các cơ sở giết mổ gia súc tập trung trên địa bàn giết mổ khoảng 40-45 con lợn, trâu bò, càng đến ngày cận Tết số lượng dự báo sẽ tăng lên. Việc giết mổ gia súc tập trung cơ bản được thực hiện đúng quy định, đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
Cũng theo ông Chung, hiện nay tại một số địa bàn cách xa cơ sở giết mổ tập trung như xã Kỳ Nam, Kỳ Ninh, Kỳ Hà... người dân vẫn có thói quen tự giết mổ gia súc tại nhà để bán cho các hộ xung quanh, nhất là dịp cận Tết Nguyên đán. Chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức kiểm tra, xử lý nếu phát hiện vi phạm.
Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cho biết, toàn tỉnh hiện có 39 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, đáp ứng nhu cầu giết mổ và các điều kiện thú y theo quy định.
“Ngành thú y tập trung phối hợp với chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người tiêu dùng sử dụng sản phẩm động vật rõ nguồn gốc, đã được kiểm soát giết mổ. Cùng với đó, chúng tôi tiếp tục tăng cường kiểm tra, thực hiện các biện pháp để từng bước xóa bỏ việc giết mổ gia súc tại hộ gia đình, trong khu dân cư không đảm bảo các điều kiện theo quy định” - ông Trần Hùng chia sẻ.
Kiểm soát giết mổ gia súc, nhất là giết mổ "tự phát" dịp cận Tết Nguyên đán Qúy Mão 2023 là hết sức quan trọng, cần thiết. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm ngành thú y và các địa phương, đơn vị, thì mỗi người dân cần nêu cao ý thức không tự giết mổ gia súc tại nhà, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng ngừa phát sinh, lây lan dịch bệnh.