Theo đó, hiện nay tại một số địa phương vùng ven biển tỉnh Hà Tĩnh (chủ yếu ở xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà và xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh) xảy ra tình trạng người dân bao chiếm đất rừng, trồng cây phi lao, keo tràm và khai thác trắng khi cây đến kỳ thu hoạch, không đảm bảo chức năng chắn gió, chắn cát, ngăn triều cường.
Rừng phòng hộ ven biển ở tỉnh Hà Tĩnh trở thành rừng sản xuất. Người dân trồng rừng không theo quy hoạch, quá trình khai thác không đúng quy trình, phương thức, mật độ quy định; sau khai thác không trồng thay thế, tái sinh kịp thời nên nhiều khu rừng gần như không còn chức năng phòng hộ, gây ra những hệ lụy về môi sinh, môi trường rất khó lường trước.
Sự việc đã diễn ra nhiều năm, nhưng chính quyền các cấp và các cơ quan, đơn vị liên quan ở tỉnh Hà Tĩnh chưa thực sự quan tâm, thực hiện đồng bộ công tác quản lý rừng phòng hộ ven biển. Đặc biệt, chưa kiểm tra, đánh giá thường xuyên về trữ lượng, phạm vi, mức độ ảnh hưởng của việc khai thác rừng ven biển để kịp thời có phương án ngăn chặn, xử lý.
Sau khi báo điện tử Kinh tế và Đô thị đăng bài viết Hà Tĩnh: “Lỏng lẻo” trong quản lý rừng phòng hộ ven biển, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Nguyễn Tiến Hùng đã ban hành văn bản số 1886, ngày 25/11/2022 về việc báo cáo và đề xuất phương án xử lý nội dung báo phản ánh.
Tại văn bản này, UBND huyện Kỳ Anh giao UBND xã Kỳ Xuân tổ chức kiểm tra, làm rõ nội dung mà Báo phản ánh; đồng thời đề xuất phương án giải quyết; báo cáo kết quả thực hiện về UBND huyện (qua phòng NN&PTNT) trước ngày 5/12/2022.
Giao Phòng NN&PTNT chủ trì phối hợp với Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh, Hạt Kiểm lâm Kỳ Anh, UBND xã Kỳ Xuân kiểm tra thực trạng và tham mưu cho UBND huyện Kỳ Anh phương án xử lý dứt điểm tình trạng trên.