Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hạ viện Mỹ "mở đường" siết thương mại Nga

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 17/3, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật nhằm đình chỉ Quy chế Quan hệ Thương mại Bình thường Vĩnh viễn (PNTR) với Nga và Belarus, qua đó tăng cường các biện pháp nhằm trừng phạt Moscow vì chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Quy chế Quan hệ Thương mại Bình thường Vĩnh viễn (PNTR) của Mỹ, hay quy chế "Tối huệ quốc" theo cách gọi của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), là quy định đặc biệt điều tiết các mối quan hệ với các đối tác thương mại nước ngoài của Mỹ.

Theo đó, các đối tác được đối xử bình đẳng về thương mại trên lãnh thổ một nước thứ 3. Đây là một nguyên tắc rất cơ bản trong quan hệ thương mại quốc tế hiện đại.

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật trên 1 tuần sau khi Tổng thống Joe Biden trình đề xuất xóa bỏ quy chế PNTR đối với Nga, hành động mang tính biểu tượng nhằm gia tăng đòn trừng phạt kinh tế chống Moscow.

Dự luật cần phải được trình lên Thượng viện Mỹ xem xét và phê chuẩn. Tuần trước, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer đã tuyên bố ủng hộ và sẽ nỗ lực để dự luật được thông qua nhanh chóng.

Dự luật trên, một khi được Thượng viện phê chuẩn và Tổng thống Biden ký ban hành, sẽ chấm dứt quy chế thương mại công bằng đối với Moscow, mở đường cho việc tăng thuế nhập khẩu nhằm vào các mặt hàng của Nga.

Trong quan hệ thương mại với Mỹ, chỉ có một số ít đối tác không hưởng quy chế PNTR. Việc các khoản thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ một nước hưởng quy chế PNTR sẽ thấp hơn nhiều so với hàng nhập khẩu từ một nước không hưởng quy này.

Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) ngày 15/3 cũng thông báo sẽ tước bỏ quy chế Tối huệ quốc (MFN) của Nga theo các quy định của WTO. EU đã đồng ý về biện pháp này với 13 thành viên WTO khác là Albania, Australia, Canada, Hàn Quốc, Mỹ, Iceland, Nhật Bản, Bắc Macedonia, Moldova, Montenegro, New Zealand, Na Uy và Anh.

Việc rút bỏ quy chế này cho phép EU áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại bổ sung như tăng thuế quan hoặc các loại hạn chế thương mại khác. Mỗi thành viên WTO đã chọn rút quy chế MFN đối với Nga được tự do áp đặt bất kỳ biện pháp trừng phạt thương mại nào mà họ muốn.

Biện pháp này không yêu cầu bất kỳ thủ tục nào trong WTO bởi đây là quyết định đơn phương. Sau cùng, Nga có quyền quyết định có khởi kiện các thành viên được đề cập hay không, nếu nước này cho rằng các quy tắc của WTO bị vi phạm.