Hài hòa giữa bảo tồn và phát triển

Lại Tấn (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cần phải có quan điểm, thái độ ứng xử ra sao để TP đồng thời làm tốt được hai nhiều vụ: Bảo tồn tối đa các giá trị truyền thống và sáng tạo được nhiều nhất những giá trị mới cho tương lai?

TS Phạm Quang Nghị - nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội đã dành cho Kinh tế & Đô thị cuộc trao đổi về vấn đề này.
Xin ông cho biết, thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử của Hà Nội có những ưu điểm, hạn chế như thế nào?
- Đối với quá trình phát triển hiện nay, di sản văn hóa cha ông để lại không chỉ có giá trị về văn hóa mà nếu biết kế thừa, phát huy còn đem lại giá trị về kinh tế. Chính vì thế, lãnh đạo TP Hà Nội qua các thời kỳ luôn ý thức điều đó, bên cạnh đó là sự tham gia về nhiều mặt của các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan nghiên cứu của T.Ư và TP.
Nhờ đó, chúng ta đã làm khá tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn Thủ đô. Mặt khác, số lượng di sản, di tích lớn cũng đặt ra những khó khăn không chỉ về nguồn lực, nguồn vốn, kiến thức chuyên môn.
Sự tham gia của đông đảo Nhân dân (ví dụ trước nhu cầu phát triển nóng bỏng như Hà Nội, không chỉ nhà đầu tư mà người dân cũng khó thực hiện việc ưu tiên cho bảo tồn, cần ưu tiên cho sự phát triển) mà còn đặt ra vấn đề mâu thuẫn giữa vấn đề ưu tiên cho bảo tồn hay phát triển.
 Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị thăm di tích làng cổ Đường Lâm năm 2013. Ảnh: Hải Linh
Trên thực tế bảo tồn hay phát triển đều cần. Đôi khi nói chuyện với các nhà chuyên môn về lịch sử, văn hóa, khảo cổ học họ sẽ nói sâu sắc, nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác bảo tồn. Ngược lại, khi chúng ta nói chuyện với người làm công tác xây dựng và phát triển (đường giao thông, xây dựng đô thị, công trình phục vụ quốc tế, dân sinh) họ lại nói cần ưu tiên cho phát triển; và lập luận, lý lẽ của họ cũng rất có sức thuyết phục.
Chính vì thế, bảo tồn, phát triển như thế nào là 2 mặt của một vấn đề, tưởng đối lập nhưng lại không. Không có sự phát triển nào phủ định sạch trơn di sản, quá khứ - và không có sự bảo tồn cực đoan nào ngăn cản sự phát triển. Kết hợp hài hòa điều này cả trong nhận thức và xử lý thực tiễn là khó. Hiện nay, hay vừa qua nhiều lúc cũng xảy ra tình trạng cực đoan như vậy ngay cả tại Hà Nội.
Cái khó khăn đã và đang đặt ra thời điểm này và sắp tới là nhu cầu xây dựng và phát triển, quá trình đô thị hóa diễn ra với quy mô lớn, tốc độ nhanh nên trong nhiều trường hợp có sự va chạm, tranh chấp, chồng lấn giữa yêu cầu bảo tồn và phát triển; kết hợp chọn một trong 2 thứ đều rất khó.
Ví dụ một khu đô thị đã được quy hoạch, bản vẽ đã được phê duyệt, đến lúc thi công đụng lòng đất có hiện vật văn hóa, phải yêu cầu người ta sửa lại thiết kế, quy hoạch xây dựng khi ấy phát sinh rất nhiều vấn đề, yêu cần phải xử lý, không chỉ về tiến độ, kinh tế, tài chính mà cả vấn đề liên quan đến kinh tế, kỹ thuật của công trình đang xây dựng.
Từ thực tiễn đó, những nhà quản lý, lãnh đạo của Hà Nội không thể tuyệt đối hóa yêu cầu của bên này hay bên kia được. Ví dụ như trường hợp tại đàn Xã Tắc, đê La Thành và tiêu biểu nhất là khu 18 Hoàng Diệu.
Thưa ông, trong trường hợp của đàn Xã Tắc, 18 Hoàng Diệu hay trong công tác bảo tồn di sản nói chung, TP Hà Nội đã có những giải pháp nào để hài hòa giữa bảo tồn và phát triển?
- Khi di tích 18 Hoàng Diệu được phát lộ, để đi tới quyết định và thực thi được những quyết định trên là vô cùng khó khăn. Cân nhắc nhiều mặt, chúng ta đã lựa chọn phương án kết hợp giữa bảo tồn và phát triển.
Ngoài ra, còn có rất nhiều di tích, di sản lịch sử, văn hóa có quy mô và giá trị nhỏ hơn, nhưng khi triển khai nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, để đi tới đồng thuận (dù chỉ là tương đối) ngay trong các nhà khoa học cũng không hề dễ dàng.
Như việc xẻ đê La Thành để khai thông tuyến đường Văn Cao, hoặc khai thông đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, chúng ta buộc phải đi qua vùng đất di sản, nơi phát lộ những dấu ấn di tích Đàn Xã Tắc. Trong những trường hợp nêu trên, chủ trương quan điểm của TP là phải bảo tồn, kế thừa và phát huy tối đa giá trị lịch sử - văn hóa khi có thể. Vừa quan tâm đầy đủ cho yêu cầu bảo tồn, đồng thời cũng không coi nhẹ yêu cầu phát triển. Cho phép đường giao thông đi băng qua đoạn đê nơi cần phải đi qua chứ không san lấp, đào bới những nơi khác.
Đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa ngoài việc dành riêng một đảo giao thông với diện tích trên 1.000m2 để trồng cây, trồng hoa, bên dưới cho lấp cát để bảo tồn nguyên trạng dấu tích dưới lòng đất. Khi đó, TP đã không tán thành những quan điểm, ý kiến cực đoan, một chiều không phù hợp với thực tiễn.
Những vấn đề TP Hà Nội xử lý trong thời gian qua, về cơ bản đã đáp ứng được cả hai yêu cầu bảo tồn và phát triển, được dư luận cũng như các nhà khoa học trên các lĩnh vực đồng tình. Tuy vậy, không phải mọi việc đều suôn sẻ.
Để bảo tồn di sản truyền thống, sáng tạo được nhiều giá trị trong tương lai, theo ông TP Hà Nội cần có những định hướng, giải pháp như thế nào?
- Bảo tồn và phát triển là hai mặt thống nhất chứ không phải đối lập với nhau. Bảo tồn có chọn lọc, với hình thức phương pháp phù hợp tương xứng với giá trị và điều kiện cụ thể; đáp ứng yêu cầu cần và có thể bảo tồn. Không thể dùng ý chí chủ quan, đòi hỏi sự bảo tồn cực đoan, bỏ qua yêu cầu phát triển hay ngược lại.
Từ xưa đến nay, không bao giờ có thứ bảo tồn nguyên trạng tất cả mọi thứ của quá khứ ở mọi lúc, mọi nơi. Trí tuệ và yêu cầu phát triển của nhân loại đã không cho phép làm như vậy. Trái lại với yêu cầu gìn giữ và kế thừa di sản của quá khứ, cũng không ai có thể nhân danh sự phát triển để hủy hoại di sản của cha ông để lại.
Một sự phát triển đem lại giá trị mới lớn hơn, không chỉ bù đắp, thay thế cho những giá trị cũ mà còn là sản phẩm sáng tạo mới của con người, bản thân nó sẽ trở thành đối tượng bảo tồn trong tương lai, thì trong trường hợp ấy, chúng ta cần ủng hộ cho yêu cầu phát triển.
Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần