Nhưng các biện pháp giảm thiểu tác động nhằm bảo trợ các nhóm thu nhập thấp trong điều kiện tăng giá điện chưa đảm bảo hiệu quả và công bằng.
Vì thế, TS Nguyễn Thắng - Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo đề xuất, với những hộ sử dụng điện lưới, nên bỏ điều kiện để được hỗ trợ (tiêu thụ dưới 50 kWh/tháng), và nên áp dụng thang giá điện lũy tiến. Cụ thể, duy trì giá ưu đãi cho 30 kWh đầu tiên hàng tháng, với 2 lựa chọn chính sách: Định một mức giá tối thiểu cho tất cả người tiêu dùng điện và dỡ bỏ trợ cấp tiền mặt; hoặc duy trì mức giá bậc thang đầu tiên hiện hành đến năm 2020, và tích hợp chương trình hỗ trợ tiền mặt hiện nay vào các chương trình hỗ trợ xã hội khác... Nguồn chi cho những chi phí này sẽ được thu thông qua tăng giá điện ở những bậc thang khác: Giá điện cho 70 kWh/tháng tiếp theo được giữ nguyên như thang giá hiện tại (ví dụ như 1.484 đồng cho kWh 31 - 50 và 1.533 đồng cho kWh 51 - 100) nhằm giảm thiểu tác động tới hộ nghèo và cận nghèo; Giá điện cho bậc thang cuối cùng (từ 100 kWh trở lên) có mức giá 2.748 đồng. Với mức giá này, doanh thu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từ khu vực dân cư không thay đổi, giúp đề xuất này có tính khả thi về mặt tài chính. Tăng giá điện trong tương lai đối với bậc thang thứ hai và nhất là bậc thang thứ ba nhằm thực hiện mục tiêu: Hiệu quả tối ưu, bền vững về tài chính, môi trường và công bằng.
Theo bà Akiko Fujii - Phó Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam, các biện pháp được đề xuất về thay đổi cơ cấu giá điện và trợ cấp tiền mặt nhằm hỗ trợ EVN tái định hình hệ thống tính phí sử dụng điện để tối ưu hóa phúc lợi và phân bổ lại chi phí giúp hài hòa lợi ích giữa ngành điện và người sử dụng.