Hai lỗ hổng an ninh dẫn đến vụ bạo loạn Điện Capitol hôm 6/1

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Điện Capitol - nơi đặt trụ sở của Lưỡng viện Mỹ đã bỗng chốc trở thành biểu tượng cho một vụ “bạo lực chính trị” trong ngày 6/1...

Cuộc bạo loạn bên tại Điện Capitol hôm 6/1 diễn ra sau khi lực lượng cảnh sát Mỹ thất bại trong việc bảo vệ khu vực này trước đám đông những người ủng hộ ông Trump, qua đó cho thấy một lỗ hổng an ninh nghiêm trọng mà nước Mỹ cần phải xem xét. 
Chậm trễ trong ứng cứu
Trong khi những sự kiện như lễ nhậm chức tổng thống được lên kế hoạch an ninh chi tiết bởi nhiều cơ quan liên quan, thì phiên họp Quốc hội vừa qua tại đây để phê chuẩn kết quả bầu cử tổng thống năm 2020 lại chưa nhận được sự chuẩn bị đầy đủ. Dù trước đó đã có những dấu hiệu cảnh báo rõ ràng về xu hướng bạo lực tiềm tàng của nhóm người ủng hộ Tổng thống đương nhiệm Donald Trump. Những người này bị kích động bởi những tuyên bố của ông Trump về một cuộc bầu cử bị “đánh cắp” và hy vọng sẽ ngăn chặn lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden.
 Điện Capitol bị bao vây bởi đám đông người biểu tình ngày 6/1.
Cụ thể, đội ngũ bảo vệ an ninh cho sự kiện ngày 6/1 chỉ do lực lượng cảnh sát Capitol đảm trách với 2.000 quân nhân cho một khu vực rộng hơn 50 hecta. Vì một lý do đến nay chưa rõ mà Đội an ninh thuộc chính quyền liên bang Mỹ đã chậm trễ ứng cứu nhiều tiếng đồng hồ sau khi vụ bạo loạn nổ ra.
Các quân nhân của Lực lượng cảnh sát Capitol được đào tạo để bảo vệ khu phức hợp như một tòa thành. Tuy nhiên, có quá nhiều cửa sổ và cửa ra vào tại đây được xây dựng từ thế kỷ XIX cũng gây khó khăn cho việc bảo vệ, theo Terrance Gainer, cựu Cảnh sát trưởng Capitol cho biết.
Video quay lại khung cảnh lúc bạo loạn cho thấy, sau khi một vòng vây bị phá, các quân nhân cảnh sát Capitol dường như đơn độc chống lại những người quá khích. Họ không thể bảo vệ tất cả các cửa sổ và cửa ra vào khu vực. Hai giới chức Mỹ cho rằng, thời gian trì hoãn đã quá lâu. Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, Thị trưởng Washington Muriel Bowser phát lệnh huy động lực lượng Vệ binh Quốc gia vào khoảng 2 giờ chiều. Đó là khoảng 45 phút sau khi những kẻ bạo loạn đã phá vỡ hàng rào đầu tiên. Trong khi Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Chris Miller đã kích hoạt Lực lượng Vệ binh Quốc gia D.C. đầy đủ vào khoảng 2:30, quan chức trên cho biết.
Lúc đó, Điện Capitol đã bị nhóm người quá khích bao vây. Trong Phòng Tròn, mặt nạ chống hơi cay đã được phân phát. Cảnh sát đã sơ tán Phó Tổng thống Mike Pence - người chủ trì việc kiểm phiếu chính thức của các cử tri đoàn và các thành viên của Hạ viện và Thượng viện. Bình xịt hơi cay đã buộc phải sử dụng nhằm ngăn chặn những người biểu tình.
Bỏ qua những "dấu hiệu tiềm tàng"
Dù cuộc xâm nhập Điện Capitol là biến động chưa từng có ở nước Mỹ, nhưng trước đó đã có rất nhiều dấu hiệu cảnh báo trong những ngày dẫn đến các cuộc biểu tình.
Trước việc kiểm phiếu đại cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống lần này, trên mạng xã hội trong nhiều tuần qua đã có những đe dọa rằng sự ủng hộ Tổng thống Trump có thể chuyển thành bạo lực. Một giới chức cấp cao giấu tên chia sẻ với Reuters rằng, bất chấp những tín hiệu hiểm nguy đó, Lực lượng Cảnh sát Capitol đã không liên hệ trước với các Cơ quan liên bang khác như Bộ an ninh Nội địa để yêu cầu họ tham gia bảo vệ an ninh. Bên cạnh đó, lực lượng tiếp viện của Lực lượng Vệ binh Quốc gia, được triệu tập bởi thị trưởng Washington DC, phải hơn 1 tiếng sau khi cuộc bạo động nổ ra, mới được huy động đến hiện trường.
Nhiều người ủng hộ ông Trump đã chia sẻ kế hoạch trên Parler-mạng xã hội tương tự như Twitter thu hút các nhóm cực hữu cánh hữu. Trong một bài đăng trên Parler, thủ lĩnh của nhóm cực đoan cực hữu Những chàng trai tự hào, Enrique Tarrio, đã hứa hẹn cả nhóm sẽ tham dự cuộc biểu tình hôm 6/1. Bên cạnh đó, trong một bài đăng có lượng xem đáng kể trên TikTok, một người đàn ông tiết lộ việc mang súng đến Washington là “lý do chúng tôi đến đây”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần