Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hai mức điểm sàn mới là phương án tham khảo

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trước những ý kiến gay gắt phản đối việc có hai mức điểm sàn cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga (ảnh trên) về vấn đề này.

 

Hai mức điểm sàn mới là phương án tham khảo - Ảnh 1

Thưa Thứ trưởng, phương án thí điểm hai mức điểm sàn có được thực hiện trong mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013?

- Trước hết tôi khẳng định, hai mức điểm sàn mới chỉ là phương án tham khảo, chưa phải là quyết định của Bộ GD&ĐT. Đây mới chỉ là tổng hợp ý kiến góp ý việc xây dựng cho vấn đề này, do vậy, chưa nói thực hiện được hay không. Sau này, Hội đồng điểm sàn mới họp và trình Bộ trưởng quyết định.Như vậy, năm 2013 vẫn có một mức điểm sàn?

- Chắc chắn năm nay vẫn có điểm sàn như mọi năm vì tuyển được đến 90% thí sinh (TS) là rất chuẩn rồi, không phải bàn nữa. Nhưng những ngành như nông - lâm - thủy sản, những trường ở vùng khó khăn không tuyển được đủ TS thì sẽ xử lý như thế nào? Và, trong trường hợp điểm sàn trên đã hết, các trường đã gọi hai lần, nhưng vẫn thiếu chỉ tiêu, sẽ xử lý như thế nào? Tôi muốn mọi người cùng nhau góp ý kiến xử lý những vấn đề đó cho phù hợp, để giúp cho các trường tuyển được. Có những ý kiến cho rằng, mở rộng điểm sàn, nhưng mở rộng đến mức nào? Có người  đề nghị mở rộng đến mức xét tổng điểm bình quân của 3 môn thi của khối thi. Đó là ngưỡng tối thiểu để vào học ĐH, CĐ, chứ không phải điểm sàn để phân biệt trường công với trường tư. Thế mà nhiều người cứ hiểu nhầm và suy luận theo chiều không đúng với ý tưởng ban đầu, gây tâm lý không tốt. Vì vậy, tôi muốn mọi người nên nghiên cứu kỹ ý tưởng của từng đề xuất ấy.

 

Có ý kiến cho rằng, thay vì có điểm sàn trên điểm sàn dưới, Bộ nên có điểm sàn cho các trường ĐH tốp đầu và điểm sàn cho các trường ĐH tốp sau?

- Đề xuất này chẳng khác nào có hai hay ba điểm sàn, như thế càng nguy hiểm. Không thể cùng một lúc làm hai mức điểm sàn để phân biệt đối xử trường này trường kia. Điểm sàn trên vẫn là chủ yếu, áp dụng tuyển hai đợt trước, và chừng nào không còn ai có điểm sàn trên vào các trường nữa thì mới mở rộng.

 

Hai mức điểm sàn mới là phương án tham khảo - Ảnh 2

Thí sinh tham dự kỳ thu đại học năm 2012. Ảnh : Viết Thành

Các trường ngoài công lập cho rằng, mùa tuyển sinh 2012 không tuyển đủ chỉ tiêu là bởi nhiều ngành của trường công lập xét tuyển đến điểm cận sàn, đã thu hút hết TS?

- TS đạt điểm trên sàn rất đông, dôi dư gấp 1,5; 1,7; thậm chí đến 2 - 3 lần, không phải vào hết trường công lập. Nhưng, vấn đề ở chỗ số dư ấy không chịu dịch chuyển từ vùng này sang vùng kia. Chúng ta cần phân tích nguyên nhân, để tìm cách tháo gỡ như thế nào. Bộ đang cần ý kiến của mọi người đóng góp để tháo gỡ vấn đề này.

Vừa rồi, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đề xuất với Bộ phương án tự chủ tuyển sinh dựa trên điểm sàn của Bộ?

- Các đề án tuyển sinh mà Bộ nhận được từ Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập không phải là lấy bằng điểm sàn. Họ đề nghị xét tuyển, đó là chuyện cần bàn. Bộ đang nghiên cứu để trả lời. Vừa rồi, trong đề án đưa ra ngưỡng tối thiểu, điểm bình quân chung của 3 môn chỉ thấp hơn 2 điểm so với điểm sàn lâu nay có cả xét điểm phổ thông, dư luận phản ứng rất mạnh. Nếu đưa ra không còn điểm sàn, xã hội làm sao có thể đồng tình được. Dù gì thì chất lượng nguồn tuyển vẫn phải đảm bảo. Nguồn tuyển tối thiểu vẫn phải là học sinh có thể học được chứ không phải là tuyển sai quy định. Sau đó các trường có thể áp dụng nhiều biện pháp khác, như mô hình trường FPT làm lâu nay thì rất hoan nghênh.

Xin cảm ơn ông!