Theo đó, phản ánh hàng loạt sai phạm của Công ty này liên quan đến chế độ, chính sách cũng như sự mờ ám, thiếu minh bạch trong điều hành, quản lý có thể dẫn đến thất thoát hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước.
Sai phạm nối sai phạm
Nội dung đơn cho biết, HAIC là công ty 100% vốn Nhà nước do UBND TP Hà Nội đầu tư và thành lập. Ông Tới được HAIC tiếp nhận và bổ nhiệm chức vụ Phó Giám đốc chi nhánh khi ông đang làm việc tại một cơ quan Nhà nước khác. Nhưng gần 10 năm qua, ông Tới không được hưởng lương. Thậm chí, gần đây, ông mới biết dù vẫn đảm nhiệm chức vụ nhưng Công ty đã cắt toàn bộ chế độ bảo hiểm. Việc này, ông biết hoàn toàn tình cờ, Công ty không thông báo, không có bất cứ lý do nào chính đáng để giải trình. Ông Tới đã đề nghị Công đoàn HAIC bảo vệ quyền lợi của người lao động nhưng chỉ nhận được sự im lặng của tổ chức này. Thậm chí, Công ty cũng không tổ chức họp Hội nghị CBCNVC năm 2016 để ông Tới và các CNVC khác được đề đạt ý kiến. Hơn 2 tháng qua, ông Tới đã viết đơn kiến nghị đến Giám đốc HAIC nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng về việc này.
Tòa nhà 3 tầng với tổng diện tích sử dụng gần 1.000m2 tại phường Tây Mỗ không thể hiện trong tài sản góp vốn của HAIC. Ảnh: Đông Phong |
Bên cạnh đó, nội dung đơn của ông Tới nêu hàng loạt việc khác do lãnh đạo HAIC đã và đang tiến hành có dấu hiệu trục lợi cá nhân. Cụ thể, khu đất hơn 4.000m2 tại ngõ 220, đường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đang cho tư nhân thuê trái mục đích sử dụng với Hợp đồng thuê đất số 377/HĐTĐ ngày 19/8/2013 do bên A là Sở TN&MT Hà Nội ký với HAIC. Hợp đồng ghi rõ, bên A cho thuê hơn 4.000m2 đất để HAIC sử dụng vào mục đích làm văn phòng làm việc. Thế nhưng, lô đất này đang được cho tư nhân sử dụng làm cơ sở sản xuất, kinh doanh. Không những vậy, HAIC đang cho thuê với mức giá 250 triệu đồng/năm (hơn 20 triệu đồng/5.000m2/tháng), trong khi phải trả tiền thuê cho Nhà nước đã là 265 triệu đồng/năm. Về vấn đề này, ông Tới bức xúc cho biết, trước năm 2016, HAIC đang cho thuê đúng mảnh đất nêu trên với giá khoảng 400 triệu đồng/năm, không hiểu mục đích gì mà lãnh đạo Công ty lại cho thuê với giá rẻ như vậy? Việc một mảnh đất có vị trí đắc địa tại Thủ đô cho thuê trái mục đích sử dụng và lỗ so với hợp đồng ký với bên A của HAIC khiến nhiều CBCNVC rất bất bình.
Nguy cơ thất thoát hàng trăm tỷ đồng
Một phản ánh khác, theo ông Tới, có thể dẫn đến thất thoát hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước, đó là việc HAIC đang thực hiện chủ trương góp vốn cùng đơn vị khác thành lập công ty cổ phần. Theo đó, HAIC góp vốn với Công ty CP Quan hệ quốc tế đầu tư và sản xuất, Công ty CP Văn hóa phẩm và Bao bì Hà Nội thành lập pháp nhân mới có tên gọi Công ty CP Nông nghiệp Hà Nội (GFS). Vốn điều lệ của GFS là 25 tỷ đồng, HAIC góp 10 tỷ đồng bằng giá trị tài sản trên đất, tương ứng với 40% vốn điều lệ; 2 đối tác còn lại góp 8 tỷ đồng và 7 tỷ đồng, tương ứng với 32% và 28% vốn điều lệ. Phần tài sản mà HAIC góp vốn là 7 cơ sở nhà, đất có tổng diện tích khoảng 12ha, trong đó có gần 40.000m2 đất tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm và hơn 4.000m2 đất tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Ông Tới cho rằng, hàng loạt mờ ám, khuất tất khác nảy sinh từ đây. Theo đó, riêng việc định giá tài sản trên đất của HAIC đã có phần không minh bạch. Đó là trong gần 40.000m2 đất tại phường Tây Mỗ hiện có hơn 6.000m2 (bao gồm một nhà 3 tầng diện tích sử dụng gần 1.000m2) là khu nhà hàng sinh thái được đầu tư xây dựng năm 2002. Theo kết luận thanh tra về tình hình quản lý, sử dụng đất của Sở TN&MT năm 2009, khu nhà hàng sinh thái này được HAIC giao cho đơn vị trực thuộc là Xí nghiệp Xây dựng và Chế biến nông lâm sản xuất khẩu trực tiếp tổ chức sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, hiện tại, HAIC không đưa tài sản này vào định giá phần đất gần 40.000m2 tại phường Tây Mỗ. Đặc biệt, HAIC đang có dấu hiệu chuyển quyền sử dụng đất trá hình khi phương án góp vốn thành lập GFS không thông tin về việc định giá quyền lợi của 12ha đất còn thời hạn thuê của Nhà nước hơn 40 năm tiếp theo. Với việc chỉ nắm 40% cổ phần của GFS, việc sử dụng và kinh doanh trên 7 lô đất đã góp vốn không còn do HAIC toàn quyền quyết định. Đây là lý do khiến ông Tới tin rằng, hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước sẽ thất thoát nếu GFS “xẻ thịt” 7 lô đất nêu trên vào những mục đích khác. Bởi lẽ, trên thực tế, chỉ tính giá trị 2 lô đất tại nội thành Hà Nội nêu trên đã có giá trị hàng trăm tỷ đồng.
“Năm 2014, HAIC bắt đầu triển khai cổ phần hóa DN theo chủ trương đổi mới của Đảng và Nhà nước. Đây là một chủ trương đúng đắn, là mong muốn phát triển của CBCNVC. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì khi đang thực hiện dở dang, lãnh đạo HAIC lại góp tài sản của Công ty theo mô hình khác. Toàn bộ những việc này, Giám đốc HAIC đều không thông báo cũng như lấy ý kiến của CBCNVC” - ông Tới cho biết thêm.
“Vòng quanh” trách nhiệm
Để làm rõ những thông tin phản ánh, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Vũ Tiến Thành - Tổng Giám đốc HAIC. Ông Thành thừa nhận, có diễn ra tình trạng một số CBCNVC của các xí nghiệp trực thuộc HAIC một thời gian dài không hưởng lương, riêng trường hợp ông Tới vừa không hưởng lương vừa bị cắt bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, quy định của Công ty là yêu cầu các xí nghiệp trực thuộc phải tự hạch toán về kinh tế, kể cả việc lo chế độ chính sách người lao động. Trước câu hỏi HAIC trực tiếp ký hợp đồng thì phải có trách nhiệm về chế độ đóng bảo hiểm đối với người lao động, ông Thành cho rằng, việc này xí nghiệp vẫn phải tự lo. Nhưng sau đó, ông Thành lại cho biết, riêng trường hợp cắt bảo hiểm xã hội của ông Tới, HAIC sẽ có trách nhiệm, chưa chứ không phải không giải quyết (?). Về việc họp Hội nghị CBCNVC, ông Thành khẳng định đang... xây dựng kế hoạch để triển khai (!). Vấn đề cho thuê đất tại Tây Tựu trái mục đích sử dụng cũng như tiền thuê quá rẻ so với thực tế, ông Thành cho biết, HAIC đã có hợp đồng giao khoán cho một xí nghiệp thành viên khác, tới đây, HAIC sẽ có kiểm tra, xem xét về mục đích sử dụng cũng như điều chỉnh giá thuê theo đúng thực tế. Riêng nội dung góp vốn thành lập công ty cổ phần, ông Thành xin "khất", sẽ sắp xếp làm việc với phóng viên vào một buổi khác, vì phải chuẩn bị rất nhiều hồ sơ liên quan (?).
Với cách trả lời như vậy, dư luận cho rằng, “quả bóng” trách nhiệm đang được lãnh đạo HAIC đá vòng quanh. Câu hỏi về vai trò điều hành, quản lý của Tổng Giám đốc HAIC vẫn chưa được giải đáp thỏa đáng. Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về những vấn đề này.