Nhiều quy định về tình trạng nói ngọng, nói lắp, dùng mạng xã hội… đã được đưa ra trong quy định này.
Theo ông Ngô Nam – Trưởng phòng Nếp sống Văn hóa Gia đình (Sở VH&TT) Hà Nội, Quy định chuẩn mực văn hóa phát ngôn không chỉ dành cho cán bộ có thẩm quyền phát ngôn cho báo chí, mà áp dụng để chấn chỉnh cho cách nói năng của toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở mọi tình huống giao tiếp. Sau nhiều lần xây dựng và chỉnh sửa, bản dự thảo Quy định mới nhất vừa trình lãnh đạo UBND TP Hà Nội xem xét có 3 chương, 9 điều.
Điều gây tranh cãi nhất của dự thảo Quy định chính là yêu cầu cán bộ công chức, người lao động hạn chế nói ngọng, nói lắp, sử dụng ngôn ngữ địa phương; tuyệt đối không nói trống không, cộc lốc, nói quá to hoặc quá nhỏ (Điều 5, chương II). Ông Ngô Nam – Trưởng Phòng Nếp sống văn hóa và gia đình cho rằng, quy định này chỉ là hạn chế để các cán bộ công chức ý thức hơn khi sử dụng ngôn ngữ phát ngôn, nói để mọi người dễ hiểu, dễ nghe.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình – Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng về mặt lý thuyết, quy định này đúng, nhưng hơi nhạy cảm. Bởi, Hà Nội là nơi hội tụ của bốn phương, không thể yêu cầu cán bộ có quê ở các tỉnh miền Trung không nói giọng địa phương, hoặc cán bộ quê gốc Bắc Ninh, Hưng Yên phải nói chuẩn chữ "l cao" và "l thấp"… Hơn nữa, ở các quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm cũng có cả một vùng nói ngọng.
Theo PGS Trịnh Hòa Bình quy định này chỉ có thể có tính khả thi khi giải được các bài toán có cần mở lớp cho các cán bộ rèn luyện ngôn ngữ, hoặc tuyển chọn đầu, đặc biệt các vị trí quan trọng hay giao tiếp đông người cần chú ý đến hình thức thể hiện của ngôn ngữ. Thực tế ngôn ngữ thể hiện là vấn đề quan trọng, chứ không chỉ là câu chuyện hình thức bên ngoài, nhưng người ta có coi trọng tiếp nhận quan điểm này để thực hiện hay không, hay chỉ đưa ra rồi bỏ đấy.