Phát triển nóng
Trong những năm qua, để giảm thiểu tình trạng UTGT tại Thủ đô, hàng loạt biện pháp như cải tạo phát triển cơ sở hạ tầng; Tăng cường công tác duy tu, bảo trì hệ thống đường giao thông… đã được các đơn vị có chức năng thực hiện. Cùng với đó, trong vòng 8 năm (từ 2003 - 2011), các ngành chức năng đã có hàng loạt đề xuất nhằm giảm thiểu phương tiện cá nhân tham gia giao thông trong khu vực nội đô như xe máy đi vào ngày chẵn/lẻ theo số cuối của biển số, riêng thứ Bảy, Chủ nhật lưu thông bình thường; Tạm dừng đăng ký xe máy ở một số quận nội thành… Tuy nhiên, tại thời điểm đó, những đề xuất này đã không nhận được sự ủng hộ của phần đông dư luận.
Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa nhanh kết hợp với sự bùng phát về số lượng của các loại phương tiện cá nhân khiến nỗ lực giảm thiểu UTGT gặp không ít khó khăn. Cụ thể, trong giai đoạn từ 2011 – 2016, cứ mỗi năm trôi qua, số xe ô tô lại tăng khoảng 10%, xe máy khoảng 6,7%. Và đến thời điểm này, toàn TP đã có hơn 5 triệu xe máy, gần 500.000 xe ô tô các loại, trên 1,2 triệu xe đạp, trên 1,1 vạn xe đạp điện và xe máy điện, chưa kể khoảng 10 – 15% các phương tiện ngoại tỉnh đang hoạt động. Trong khi đó, từ nhiều năm nay, hạ tầng giao thông mặc dù liên tục được đầu tư, cải tạo, nhưng những kết quả đã đạt được (3,8%/năm - PV) vẫn chỉ như “muối bỏ bể” so với tốc độ phát triển phương tiện. Không chỉ gây áp lực lên hạ tầng giao thông, sự phát triển nóng của các phương tiện cá nhân đã khiến môi trường sống ngày càng ô nhiễm. Theo ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở GTVT, chỉ riêng trong quý I/2017, Hà Nội đã có tới 47 ngày rơi vào ô nhiễm môi trường cao vượt ngưỡng tiêu chuẩn cho phép. Và nguyên nhân chính là vì các phương tiện tham gia giao thông quá đông.
Phải kiên định mục tiêu
Theo dự thảo đề án hạn chế phương tiện cá nhân, đến năm 2030, sẽ dừng hoạt động đối với xe máy trên địa bàn các quận nội thành. Như vậy, nếu được thông qua, người dân trong khu vực nội thành sẽ có 13 năm để làm quen với việc từ bỏ xe máy. Cũng giống như những đề xuất khác, hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra. Trong đó, phần lớn các câu đều tập trung vào vấn đề, cấm xe máy, người dân sẽ đi bằng cái gì?
Tuy nhiên, có một điều dễ nhận thấy, so với các đề xuất khác, đến thời điểm này, dư luận phản ứng không mấy gay gắt như trước. TS Lương Hoài Nam, một trong những người tiên phong và chịu nhiều “gạch đá” nhất khi đưa ra đề xuất cấm xe máy tại 2 TP lớn cách đây 4 năm chia sẻ, đến bây giờ, người dân đã thuận hơn rất nhiều đối với đề xuất này.
Thực tế cho thấy, để đạt được những kết quả ban đầu ấy, ngoài sự kiên trì của các đơn vị chức năng TP trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về việc giảm thiểu phương tiện cá nhân, thì một trong những yêu tố tạo ra sự thành công trên đó chính là niềm tin vào hệ thống chính quyền TP. Nói như vậy là bởi, trong những năm qua, mặc dù nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, song ở bất cứ thời điểm nào, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng… luôn là một trong những nhiệm vụ được các cấp lãnh đạo TP ưu tiên thực hiện. Từ đó, mục tiêu đến năm đến năm 2030 vận tải hành khách công cộng sẽ đáp ứng được 50 - 55% nhu cầu đi lại của Nhân dân để tương ứng với việc giảm phương tiện giao thông cá nhân là hoàn toàn có cơ sở. Đó là chưa kể đến việc, TP đang tập trung xây dựng theo quy hoạch 8 tuyến đường sắt đô thị; đầu tư các tuyến buýt nhanh BRT theo quy hoạch; phát triển mạng lưới điểm đỗ, các điểm giao thông tĩnh để phục vụ kết nối giao thông cá nhân với phương tiện giao thông công cộng. Và như cách nói của TS Lương Hoài Nam cũng như nhiều chuyên gia giao thông khác, điều quan trọng nhất bây giờ là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nên kiên định đi theo con đường này - con đường giảm thiểu phương tiện cá nhân trong khu vực nội đô.
Qua khảo sát 21 điểm giao thông chính tại các cửa ngõ ra vào Hà Nội vào tháng 7/2016 của TDSI, tỷ lệ ô tô con chiếm 14,38% số lượng nhưng chiếm 42,18% diện tích mặt đường. Tỷ lệ chiếm dụng mặt đường của xe máy là 43,62%, số còn lại là xe buýt và các xe khác. Như vậy, xe cá nhân (ô tô con và xe máy) đang chiếm dụng 85,8% diện tích mặt đường. Nếu để phát triển tự nhiên, đến năm 2020 toàn TP sẽ ùn tắc nghiêm trọng. Ông Phạm Hoài Chung Giám đốc Trung tâm phát triển Giao thông đô thị và nông thôn, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT |