Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hạn chế sử dụng rượu, bia trong dịp lễ, Tết: Biết rồi… vẫn phải nhắc

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các kỳ nghỉ lễ kéo dài như Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán đang cận kề, việc sử dụng rượu, bia trong các dịp này khó tránh khỏi. Bởi vậy, số bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu và TNGT tăng đáng kể.

Ai cũng biết tác hại khi sử dụng nhiều bia rượu, song không ít người cố tình bỏ ngoài tai.
Họa từ thói quen

Nhiều tháng qua, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận các ca ngộ độc methanol từ rượu. Ngày 20/12 vừa qua, V.T.H (24 tuổi, quê Phú Thọ) nhập viện sau khi uống quá nhiều rượu. Theo người nhà bệnh nhân, chiều 19/12, H. liên hoan cùng các bạn ở Bắc Ninh nên say rượu, H. được các bạn đưa về nhà. Chiều hôm sau, H. vẫn ngủ li bì, mê man nên được đưa đi cấp cứu tại BV địa phương rồi được chuyển lên BV Bạch Mai trong tình trạng hôn mê. Đến nay, H. vẫn đang trong tình trạng nguy kịch.

Bệnh nhân ngộ độc methanol trong rượu điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Thanh Mai

Trước đó, ngày 18/12, bệnh nhân Trần Xuân Đ. (57 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng được đưa đến cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, suy gan, thận, ngộ độc nặng. Nguyên nhân do bệnh nhân uống rượu không rõ nguồn gốc, kết quả xét nghiệm cho thấy methanol trong máu lên tới 169 mg/dL, gấp nhiều lần ngưỡng cho phép. Hay trường hợp anh Nguyễn Văn C. (Thanh Trì, Hà Nội), một năm trước đã nhập viện cấp cứu vì xuất huyết dạ dày do sử dụng rượu quá nhiều. Vậy mà cuối tuần qua, đồng nghiệp lại phải đưa anh đi cấp cứu vì tửu lượng quá độ.

Uống đúng mực

Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trương Đình Bắc lo ngại: “Không ở đâu mua rượu dễ như ở Việt Nam. Rượu bán ở mọi nơi, không có nguồn gốc rõ ràng, rượu tự nấu, rượu lậu rất phổ biến. Không kiểm soát độ tuổi mua rượu, nên bất cứ ai có nhu cầu đều có thể mua được rượu dễ dàng”. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết thêm, đa số các ca ngộ độc rượu nhập viện đều do uống rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trôi nổi ngoài thị trường, các nhà sản xuất ham lợi nhuận đã pha cồn công nghiệp vào rượu để bán thu lời. “Chúng tôi đã từng tiếp nhận trường hợp ngộ độc rượu với nồng độ methanol lên đến 687 mg/dL, ngộ độc quá nặng không thể qua khỏi. Hoặc không ít các ca bệnh thoát chết nhưng để lại những di chứng ở não, mắt rất nặng nề do phù, hoại tử nhân bèo, chảy máu não… Người bệnh tuy được cứu sống, nhưng mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội” – bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.

Trước thực trạng trên, bác sĩ Nguyên khuyến cáo, người uống ruợu, bia cần đúng mực và đúng lúc. Để giảm thiểu nguy cơ đối với sức khỏe của bản thân và xã hội, không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam, 1 đơn vị cồn/ngày với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần. Không sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có tình trạng bệnh lý mà rượu, bia làm cho nặng lên. Song điều quan trọng hơn là các cơ quan chức năng cần có biện pháp quyết liệt trong kiểm soát buôn bán cồn công nghiệp và các hoạt động kinh doanh, sản xuất rượu trên thị thường.

Để hạn chế thấp nhất hậu quả mà rượu, bia gây ra, bà Phạm Thị Hoàng Anh - Giám đốc Tổ chức HealthBridge tại Việt Nam cho rằng, cần đẩy mạnh tăng cường truyền thông về tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe và gánh nặng kinh tế của việc sử dụng rượu, bia đối với hộ gia đình, tập trung cho vùng nông thôn và dân tộc thiểu số. Đồng thời, nên tăng thuế và giá rượu, bia để giảm sức tiêu thụ.