Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai ở Thủ đô Hà Nội cho thấy, có những chủ trương chưa được thực hiện nghiêm túc… Đội mũ bảo hiểm cho trẻ: Đã thực sự quan tâm? Đội mũ bảo hiểm (MBH) khi tham gia giao thông nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ là một chủ trương lớn nhằm giảm thiểu TNGT. Tại Hà Nội, thời gian qua, Ban ATGT TP, Sở GD&ĐT, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt đã phối hợp với Quỹ Phòng chống Thương vong châu Á (Quỹ AIP) tổ chức các Chiến dịch "Trẻ em cũng phải đội MBH khi đi xe máy". Nhờ sự tích cực này, thời gian qua, tỷ lệ trẻ em đội MBH đã tăng từ 9,1% lên 52,7%, cao nhất trong cả nước, góp phần giảm tỷ lệ thương vong do TNGT ở trẻ em. Mục tiêu của chiến dịch này là sẽ tiếp tục nâng tỷ lệ trẻ em đội MBH lên mức 80%.
Các bậc phụ huynh cần có ý thức cho trẻ đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Ảnh: Duy Khánh |
Nếu chỉ nhìn qua, rõ ràng đó là những con số biết nói, những tỷ lệ rất đẹp. Tuy nhiên, từ thực tiễn cho thấy, những con số ấy chưa nói lên được nhiều điều. Người viết bài này cũng như bao phụ huynh khác có con đang học lớp 1 ở một trường tiểu học thuộc quận Hai Bà Trưng. Phải chấp nhận tình trạng, buổi sáng, bố đưa con đi học, đội MBH nghiêm chỉnh, nhưng ở lớp không có chỗ treo cất mũ (vì cô giáo nói bàn học của các cháu quá nhỏ) nên bố phải mang theo. Buổi chiều, mẹ rời công sở về đón con, đương nhiên sẽ không có mũ. Nhiều gia đình khác cũng như vậy. Mà tai nạn thì có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Cuối cùng, giải pháp của gia đình là mua 2 chiếc mũ cho một đứa trẻ. Chuyện mua MBH cũng không dễ dàng. Để đảm bảo mua được chiếc mũ chất lượng, nhiều người dân chọn cách vào siêu thị vì hầu hết các siêu thị đều có bán. Thế nhưng, mũ trong các siêu thị chủ yếu là từ cỡ M (cỡ trung) trở lên, không thích hợp với các cháu lớp 1. Câu hỏi có thể tìm mua MBH cỡ nhỏ ở đâu đã được người viết đặt trực tiếp trong một buổi tập huấn truyền thông về ATGT với sự tham dự của đầy đủ đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia, Quỹ AIP và lãnh đạo hãng mũ Andes mà không nhận được câu trả lời thích đáng. Đáng chú ý, trong câu trả lời của lãnh đạo hãng mũ Andes chỉ là hãng rất quan tâm đến sản xuất mũ cho trẻ em. Nhưng nhiều hay ít thì còn tùy thuộc vào thị trường. Xin được nói thêm rằng: Sau 3 lần đi tìm trong siêu thị, cuối cùng, tôi đã phải ra Phố Huế để mua mũ cỡ S (cỡ nhỏ) mà không dám khẳng định chất lượng có thực chuẩn không (dù vẫn thấy dán tem hợp chuẩn CR nhưng không biết là tem thật hay tem giả). Giáo dục các em đội MBH phải ngay từ lớp 1 chứ không thể đợi đến khi các em học tới lớp 2, lớp 3… Khi đó, e là đã muộn. Mà chuyện này không chỉ xảy ra ở Hà Nội. Ít cơ quan, tổ chức chịu phản hồi vi phạm giao thông Với mục tiêu xây dựng được hệ thống giáo dục, giám sát của cả hệ thống chính trị từ T.Ư đến cơ sở trong việc giáo dục, giám sát nhằm nâng cao nhận thức và ý thức của người dân trong việc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT, từ tháng 10/2010, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 38/2010/TT-BCA. Thông tư này quy định rõ: Người có hành vi vi phạm hành chính về trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa đều phải được thông báo bằng văn bản đến công an xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú, công tác, học tập để theo dõi, kiểm điểm, giáo dục. Thông báo vi phạm phải được gửi ngay sau khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Đại diện Phòng CSGT cho rằng, đây là một cách làm rất hay. Tuy nhiên, thực tế triển khai các năm qua cho thấy, dù văn bản thông báo được gửi đi rất nhiều nhưng số lượng thông tin phản hồi rất ít. Trung bình mỗi quý, Phòng gửi đi khoảng 8.000 - 9.000 thông báo vi phạm, nhưng chỉ nhận lại khoảng trên 100 thông báo phản hồi, một tỷ lệ quá thấp. Cứ nhìn vào con số này, rõ ràng các cơ quan, đơn vị chưa coi trọng tới nhiệm vụ phối hợp nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật này. Vi phạm, TNGT sẽ còn tiếp diễn nếu công tác tuyên truyền, giáo dục ở chính quyền địa phương, đoàn thể, đơn vị chủ quản không được chú trọng. Đây là vấn đề đã nhiều lần được đề cập nhưng vẫn chưa thay đổi được. Trong quá trình đi tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới việc phản hồi thông tin ít, lãnh đạo không ít địa phương đều tỏ ra rất dè dặt, thậm chí né tránh và cho rằng đây là vấn đề khó thực hiện. Cán bộ một tổ dân phố ở phường Thanh Trì (quận Hoàng Mai) còn cho rằng đang có sự bất cập. Người vi phạm đăng ký hộ khẩu thường trú ở một nơi nhưng lại làm ăn sinh sống ở một nơi khác, không có mặt ở địa phương hoặc đã thay đổi địa chỉ; chưa có quy định cụ thể về việc tổ dân phố hay cơ quan đoàn thể phải tổ chức họp kiểm điểm người có hành vi vi phạm… Nỗi đau trong các vụ TNGT là có thật. Mục tiêu 100% trẻ em đội MBH khi tham gia giao thông là có thật. Quyết tâm của lực lượng CSGT, Thanh tra GTVT và các cơ quan chức năng nhằm kìm chế TNGT rất đáng ghi nhận. Thế nhưng hiệu quả chưa cao, chưa bền vững cũng chính bắt đầu từ sự chủ quan, thờ ơ của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức. Khi TNGT xảy ra, cá nhân, gia đình và cộng đồng đều có một phần trách nhiệm trong đó. Xin mượn lời của một người mẹ có hai con gái đã mất trong một vụ TNGT mà người viết được gặp cách đây chưa lâu khi tìm hiểu về MBH. Chị nói trong tiếng nấc nghẹn: "Hai con tôi có mang MBH nhưng không đội. Tôi coi như đã mất hết, chỉ xin được nói một điều với tất cả mọi người, dù MBH xấu hay đẹp thì cũng hãy cứ đội khi tham gia giao thông. Đừng ai như con gái tôi!"