Tại cuộc họp, lãnh đạo các BCĐ đã trình bày báo cáo kết quả công tác của BCĐ và việc thực hiện các chuyên đề mà 3 BCĐ đã đề xuất tại các cuộc giao ban trước đây, qua đó, nêu rõ những vướng mắc, khó khăn và giải pháp tháo gỡ.
Ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng Ban thường trực BCĐ Tây Nam Bộ đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung một số văn bản cho phù hợp với tình hình hiện nay, thực hiện liên kết vùng mạnh mẽ hơn với các biện pháp hữu hiệu, ban hành đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững với các sản phẩm chủ lực, tổ chức các chương trình an sinh xã hội, tổ chức Tuần lễ Du lịch ĐBSCL...
Ông Trương Xuân Cừ, Phó Trưởng BCĐ Tây Bắc cho rằng, để cho Tây Bắc phát triển cần có chính sách đặc thù và thực sự hiệu quả. Việc thực hiện cơ chế liên kết vùng giữa các tỉnh trong vùng, giữa các vùng với các thành phố phát triển và giữa các vùng với nhau... còn hạn chế.
Để cho các BCĐ thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ với các Ban, bộ, ngành Trung ương nhằm giải quyết tốt hơn các vấn đề bức xúc của vùng về quốc phòng an ninh, kinh tế-xã hội, an sinh, xóa đói giảm nghèo...
Mặt khác, do có nhiều thành viên BCĐ còn kiêm nhiệm, nên việc quan tâm, chia sẻ với BCĐ chưa được nhiều, do đó, kiến nghị cấp có thẩm quyền xây dựng quy chế làm việc của các thành viên BCĐ để nâng cao trách nhiệm của mình trong hoạt động của Ban.
Báo cáo của BCĐ Tây Nguyên cho biết, cần có giải pháp quyết liệt trong liên kết vùng đối với các BCĐ như xây dựng và liên kết theo thế mạnh của từng vùng và liên vùng như cà phê của Tây Nguyên, du lịch Tây Nguyên, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, thành lập Quỹ phát triển cà phê Tây Nguyên.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Liên kết vùng là vấn đề lớn cần tiếp tục thảo luận, phân tích để có tính toán, giải pháp cụ thể, để vừa hạn chế tình trạng cục bộ, địa phương của các tỉnh, thành cũng như phát huy lợi thế so sánh của vùng trong phát triển kinh tế-xã hội.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần xác định rõ vai trò của BCĐ đối với các vấn đề của từng vùng, làm cơ sở để làm việc với các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành trong khu vực. Muốn các BCĐ phát huy hiệu quả tốt hơn cần quan tâm đến việc xây dựng trình cấp có thẩm quyền về chức năng, nhiệm vụ của Ban, đồng thời tăng cường học tập, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau của 3 BCĐ.
"Các BCĐ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền một cách đa dạng với các mô hình mới, điển hình tiên tiến đến người dân trong vùng học hỏi, hướng dẫn cách làm để người dân và chính quyền nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt trong nhân dân, từng bước xóa đói giảm nghèo bởi đây là ba khu vực còn nhiều khó khăn nhất cả nước", Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.