Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hạn chế tối đa tác động tăng giá tới đời sống

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ vừa có báo cáo việc thực hiện Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2 (tháng 11/2011) gửi tới các Đại biểu Quốc hội.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu có 11 lần điều chỉnh với 6 lần tăng và 5 lần giảm. Tính chung qua 11 lần điều chỉnh, giá xăng RON 92 tăng 2.850 đồng/lít; dầu diezen 0,05S tăng thêm 1.900 đồng/lít; dầu hoả tăng thêm 1.700 đồng/lít; dầu madút tăng thêm 1.950 đồng/kg.

Hạn chế tối đa tác động tăng giá tới đời sống - Ảnh 1

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu thời gian qua là cần thiết để thực hiện giữ ổn định giá bán xăng dầu. Về cơ bản các doanh nghiệp đã chấp hành việc trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá theo quy định.

Về giá điện, từ 1/7/2012, giá điện bình quân được Bộ Công Thương chấp thuận tăng thêm 5% (từ 1.304 đồng/kwh lên 1.369 đồng/kwh). Việc điều chỉnh giá điện tăng 5%, doanh thu bán điện trong năm 2012 của EVN dự kiến tăng thêm 3.710 tỷ đồng. Số tiền tăng thêm này, theo ông Huệ, được sử dụng để bù đắp cho tăng giá than và một phần các chi phí còn treo lại của năm 2010 trở về trước.

Để hạn chế tối đa tác động của tăng giá điện đến an sinh xã hội, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ riêng đối với các hộ sử dụng điện có thu nhập thấp và hộ nghèo. Đến nay, ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ các hộ nghèo khoảng 930 tỷ đồng, năm 2012, thực tế đến hết quý II đã bổ sung cho các địa phương 498 tỷ đồng.

Tương tự như giá điện, việc điều chỉnh giá than bán cho điện được thực hiện theo từng bước có lộ trình với nguyên tắc kiềm chế, gắn với lộ trình điều chỉnh giá điện, tính đến điều kiện kinh tế, xã hội tại thời điểm điều chỉnh, và phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, hạn chế tác động đến sản xuất và đời sống xã hội.